HOICHOTHUONGMAI

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa

Thứ ba - 08/01/2019 14:00
Năm 2018 là năm làng nghệ phải chứng kiến rất nhiều sự ra đi của các nghệ sĩ, diễn viên tài hoa. Sự ra đi đó đã để lại những khoảng trống không dễ gì lấp đầy đối với cả người hâm mộ.

Diễn viên Nguyễn Hậu

Ngay từ đầu năm 2018, khi nhà nhà người người đang vui xuân đón tết thì tin buồn ập đến, nghệ sĩ Nguyễn Hậu qua đời ở tuổi 65. Thông tin này đã khiến nhiều nghệ sĩ vô cùng bàng hoàng bởi ông luôn giữ tinh thần lạc quan và không hề than vãn bệnh tình của mình cho bất cứ ai.

Theo chia sẻ của vợ nghệ sĩ Nguyễn Hậu, ông đã mang trong mình căn bệnh gan quái ác những 7 năm trời . Nhưng vì tình yêu nghề, ông vẫn đều đặn tham gia các vai diễn phim truyền hình và điện ảnh. Ông không ngại thực hiện các cảnh quay vất vả, phơi mình giữa nắng gắt hay lội nước đêm khuya.

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa

Nghệ sĩ Nguyễn Hậu.

Trong hơn 40 năm làm nghề, nghệ sĩ họ Nguyễn đã đã có hàng trăm vai diễn lớn nhỏ. Các vai diễn của Nguyễn Hậu được đánh giá đa dạng với rất nhiều thể loại phim khác nhau. Ông từng hóa thân thành nông dân nghèo khổ, đồng chí cách mạng, địa chủ tàn ác, mật thám, tình báo, hoặc một tên lưu manh, một gã trùm ma túy khét tiếng.

Một số bộ phim nổi tiếng mà ông từng tham gia như: Thung lũng hoang vắng, Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Dòng máu anh hùng... Bên cạnh đó, dù ông đã mất đi nhưng những cảnh quay cuối cùng trong phim “Gạo nếp gạo tẻ” cũng được giữ lại nguyên vẹn.

NSƯT Thanh Hoàng

Vào chiều ngày 26/7, tin nghệ sĩ Thanh Hoàng qua đời ở tuổi 55 sau một thời gian điều trị bệnh đã khiến cả làng phim Việt bàng hoàng. Nghệ sĩ Thanh Hoàng được nhiều người biết đến là một nghệ sĩ có nhiều năm cống hiến cho nghiệp diễn với hàng trăm vai diễn lớn nhỏ và đảm trách nhiều vai trò khác nhau.

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa - Ảnh minh hoạ 2

Nghệ sĩ Thanh Hoàng.

Ông là “cha đẻ” của vở kịch nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” được sân khấu kịch 5B dàn dựng vào năm 1994. Ngoài ra, ông còn gây ấn tượng với các vai diễn trong phim như: Anh hai mắt mèo, Sợi dây đai, Ngôi nhà quê… Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, Thanh Hoàng còn là đạo diễn, biên kịch và từng giữ vị trí giám đốc của sân khấu 5B Võ Văn Tần.

NSƯT Bùi Cường

Ngày 3/8, nghệ sĩ Bùi Cường đã qua đời vì tai biến mạch máu não, hưởng thọ 73 tuổi. Sự ra đi đột ngột của ông khiến gia đình, người thân và bạn bè đều rất bất ngờ, xót xa bởi ông vốn không ốm đau, bệnh tật. Trước ngày mất, ông vẫn miệt mài đi đóng phim, trong Nam lẫn ngoài Bắc. Thậm chí, ông còn đang ấp ủ dự án làm phim “Lão Hạc”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nam Cao.

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa - Ảnh minh hoạ 3

NSƯT Bùi Cường.

NSƯT Bùi Cường là Lớp trưởng lớp diễn viên khóa II của Trường Sân khấu – Điện ảnh. Ông học với ông thời với NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Vũ Đình Thân...

Nhắc tới nghệ sĩ Bùi Cường, khán giả nhớ đến nhiều vai diễn ấn tượng, trong đó nổi trội nhất là nhân vật Chí Phèo trong phim cùng “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn KHoa. Đây là vai diễn mang lại cho ông Huy chương vàng diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 6. Bên cạnh đó, ông đóng các vai chính trong phim: Phút thứ 89, Dòng sông vàng, Biệt động Sài Gòn, Không có đường chân trời, Kẻ giết người, Vụ áp phe Đông Dương...

Vì những đóng góp của mình, NSƯT Bùi Cường có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 11. Tuy nhiên, ông chưa kịp vinh dự nhận danh hiệu này thì đã ra đi mãi mãi.

"Ông trùm hài tết" Phạm Đông Hồng

Ngày 15/9, “ông trùm” hài tết Phạm Đông Hồng qua đời sau một cơn đột quỵ đã khiến cả làng nghệ sĩ lẫn khán giả hâm mộ hết sức đau đớn, bàng hoàng. Trước đó, nam đạo diễn vẫn còn khỏe mạnh và đã lên kế hoạch cho việc sản xuất 3 phim hài tết phục vụ khán giả vào dịp tết Kỷ Hợi.

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa - Ảnh minh hoạ 4

Đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng được người trong nghề gọi vui là “trùm hài tết đất Bắc” vì từng lại đạo diễn của nhiều phim hài tết: Râu quặp, Thầy dởm, Lên voi, Người ngựa, ngựa người, Trẻ con không ăn thịt chó, Kẻ cắp gặp bà già, Một ngày ở trần gian, Cổ tích thời @, Cả Ngố, Giấc mơ, Quan trường - Trường Quan, Bờm, Enter… Đặc biệt là serie phim hài “Chôn nhời” (1, 2, 3, 4) với sự tham gia của cố NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Đức Khuê...

Ông được đánh giá là người tài năng, say mê và rất tâm huyết với nghề. Đặc biệt, ông rất chú trọng việc truyền lửa cho thế hệ trẻ. Hàng năm, công ty của ông vẫn mở các lớp đào tạo diễn viên dành cho những người yêu thích đóng phim với sự giảng dạy của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.

NSND Anh Tú

Thông tin NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56 vì biến chứng bệnh tiểu đường vào ngày 20/12 đã khiến người thân, đồng nghiệp và khán giả mến mộ tiếc thương khôn nguôi. Có thể nói, đây là thông tin gây chấn động nhất đối với làng nghệ sĩ trong những ngày cuối năm 2018.

NSND Anh Tú từng tốt nghiệp khóa I lớp diễn viên tại Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng thời với NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng… Trong hơn 30 năm làm nghệ thuật với cương vị diễn viên, đạo diễn và giám đốc... nam nghệ sĩ dàn dựng một loạt vở diễn: Cô gái đội mũ nồi xám, Nhà có năm anh em trai, Mùa hạ cay đắng, Mùa yêu đương, Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát, Kiều...

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa - Ảnh minh hoạ 5

NSND Phạm Anh Tú.

Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn trong các bộ phim: Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt.

Anh tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; là người thầy chắp cánh, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ triển vọng và tài năng. Anh Tú được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016.

Trong mắt đồng nghiệp, anh được đánh giá là người hết mình với công việc, trọn tâm huyết với sân khấu, sống giản dị, hòa đồng và khiêm nhường. NSƯT Minh Hằng vì anh như một “ngọn hải đăng” bởi tất cả những gì anh cống hiến và tận tâm cho nghệ thuật xứng đáng là ánh sáng để các thế hệ noi theo, cảm phục.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Thông tin nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện vào 19h50 ngày 7/1 cũng khiến cho giới nghệ sĩ nói chung và những người yêu thơ – nhạc nói riêng xót xa, đau đớn.

Năm 2018: Làng nghệ đau đớn tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tài hoa - Ảnh minh hoạ 6

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo quê gốc Nghệ An, từng làm thơ từ năm 14 tuổi. Ông được giới trong nghề cảm phục và yêu mến bởi rất đa tài, hào hiệp và nghĩa tình. Ông kiêm nhiều vai trò như: nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ.

Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như: Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc)… Những bài hát nổi tiếng do ông phổ nhạc hoặc sáng tác như: Làng Quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Mẹ tôi... Nhà thơ, nhạc sĩ họ Nguyễn từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá về văn học – nghệ thuật.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập391
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm355
  • Hôm nay96,328
  • Tháng hiện tại4,061,228
  • Tổng lượt truy cập151,781,704
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây