HOICHOTHUONGMAI

Haruki Murakami và sự “vô duyên” với giải Nobel Văn học…

Thứ năm - 12/10/2017 03:37
Như Katy Perry là ngôi sao ca nhạc quốc tế nhưng mãi không có một giải Grammy, như tài tử Leonardo DiCaprio thuộc hàng siêu sao điện ảnh nhưng chờ hơn hai thập kỷ mới lần đầu chạm tay vào tượng Oscar, Murakami cũng bị định mệnh “vô duyên” với Nobel Văn học.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian (Anh), nhà văn Nhật Haruki Murakami đã chia sẻ rất nhiều điều sâu sắc về văn chương, viết lách, về sự lẻ loi của ông trong văn đàn Nhật và về cả sự “vô duyên” với giải Nobel Văn học…

Haruki Murakami và sự “vô duyên” với giải Nobel Văn học…
Nhà văn Nhật Haruki Murakami

Chia sẻ về thói quen viết văn của mình, Murakami cho biết: “Tôi thức dậy sớm vào buổi sáng, tôi bật một đĩa hát, đĩa than nhé, rồi tôi viết. Tiếng nhạc vừa phải thôi. Sau 10-15 phút, tôi sẽ quên cả tiếng nhạc và bắt đầu tập trung viết. Nhưng trong tiềm thức, tôi vẫn cần một chút nhạc, phải là nhạc hay nhé.

“Khi tôi viết một tác phẩm, tôi thường nghe đi nghe lại một vài nhạc phẩm nào đó, âm nhạc khiến tôi muốn viết. Tôi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm, trong lồng ngực của mình. Tôi nghĩ mỗi người đều có nhiều kỷ niệm, nhưng chỉ ít người biết mở ra đúng ngăn tủ chứa ký ức họ muốn tìm lại. Tôi có thể làm điều đó. Nếu muốn nhớ lại kỷ niệm nào, tôi có thể mở đúng ngăn tủ.

Tôi thấy bản thân mình là một người đàn ông rất bình thường. Tôi không nghĩ mình là nghệ sĩ hay gì cả. Tôi nghĩ mình chỉ thành thạo một điều gì đó. Chẳng hạn như viết lách. Tôi thích lựa chọn từ ngữ, sắp xếp câu. Cũng giống như có người giỏi làm vườn vậy, họ biết cách gieo hạt rất chuẩn.

Để thành thạo một việc gì đó rất mệt. Mỗi ngày tôi phải thực hiện cuộc hành trình đi xuống tầng hầm tâm trí, và khi hoàn tất công việc, tôi lại đi lên mặt đất, phải cống hiến hết mình cho công việc như vậy. Khi làm thế, bạn không thể làm gì khác được.

Tôi thường dành nhiều thời gian để viết lại. Viết lại là giai đoạn tôi thích nhất trong quá trình viết lách. Khi viết lần đầu, điều đó giống như hành xác, nhưng khi bạn viết lại, mọi thứ trở nên hay hơn, dễ dàng hơn, người viết cũng thấy vui hơn, và cứ thế tác phẩm trở nên tốt hơn. Đối với tôi, không bao giờ có hạn chót cho một cuốn tiểu thuyết.

Haruki Murakami và sự “vô duyên” với giải Nobel Văn học… - Ảnh minh hoạ 2

Khi nào viết xong thì là xong. Không có thời hạn nào hết. Đôi khi tôi viết lại nhiều lần và không biết khi nào thì nên dừng quá trình viết lại ấy, nhưng vợ tôi hiểu tôi, cô ấy là người sẽ lên tiếng quyết định dừng việc viết lại của tôi ở một thời điểm nào đó.

“Đôi khi tôi cũng bị kiệt sức, thường sau khi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi sẽ chỉ viết truyện ngắn. Nhưng có những khi tôi hoàn toàn kiệt sức và không dám bước xuống căn hầm tâm trí. Bước sâu vào tâm trí đòi hỏi bạn phải mạnh mẽ để dám hòa mình vào bóng tối của nội tâm"...

Những tác phẩm của Murakami thường khiến các nhà bình luận văn chương tại Nhật chia thành hai luồng ý kiến, hoặc cho rằng quá vô vị, hoặc cho rằng rất sâu sắc. Bản thân Murakami cũng không đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Nhật đương đại. Khi được hỏi ông có cảm thấy mình cô độc trong văn đàn Nhật hay không, Murakami trả lời khá cầm chừng:

“Đó là một câu chuyện đụng chạm. Tôi thực sự cũng khá lẻ loi trong văn đàn Nhật. Tôi có độc giả của riêng mình, nhưng các nhà văn khác, và các nhà phê bình, nhiều người không thích tôi. Tại sao? Tôi không biết! Tôi đã viết văn 35 năm nay, và từ buổi đầu cho tới bây giờ, mọi chuyện vẫn vậy. Tôi có cảm giác mình như con vịt xấu xí, không bao giờ thành thiên nga.

Nhưng tôi tự nghĩ, chúng ta đều đang chơi những cuộc chơi khác nhau. Cuộc chơi thì giống nhau, nhưng luật chơi thì khác nhau, đồ chơi hay sân chơi cũng khác nhau, tôi cố gắng nghĩ theo hướng đó”.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ mình sẽ được giới nhà văn và phê bình tại Nhật đón nhận nếu ông giành được giải Nobel Văn học hay không, Murakami vừa cười vừa trả lời: “Tôi không muốn ngồi đoán. Đó là câu chuyện rất khó nói”.

Haruki Murakami và sự “vô duyên” với giải Nobel Văn học… - Ảnh minh hoạ 3

Chia sẻ về “cuộc chơi văn chương”, nhà văn được xếp vào hàng ăn khách nhất thế giới hiện nay cho biết: “Tôi nghĩ những người đọc sách nghiêm túc chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Cho dù tivi có chương trình hay đến đâu, thế giới có đang xôn xao vì World Cup, hay bất cứ điều gì khác, thì 5% này vẫn cứ đọc sách rất nghiêm túc. Tôi tin vào sự tồn tại của 5% này”.

Hiện giờ, Murakami vẫn còn chờ đợi đạt được điều gì cho chính mình trong vai trò một nhà văn? Ông nói: “Thành thực, tôi chẳng chờ đợi gì. Scott Fitzgerald là thần tượng của tôi khi tôi còn trẻ. Nhưng ông ấy qua đời khi mới 44 tuổi. Tôi cũng yêu Truman Capote, nhưng ông ấy mất năm 59 tuổi. Dostoyevsky là nhà văn lý tưởng của tôi, ông ấy cũng mất năm 59.

“Giờ tôi đã 65 tuổi rồi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi không biết khi tôi 80, tôi sẽ viết gì. Chẳng ai biết cả”. Kết luận về sự nghiệp viết lách của mình, Murakami nói ông muốn nhìn nhận bản thân như một nghệ nhân, một… “người thợ hàn”: “Tôi muốn là một người thợ hàn giỏi, để có thể chắp nối những câu văn hay, những câu văn chân thực, đẹp đẽ, trang nhã và mãnh liệt”.

The Beatles - Norwegian Wood

Trailer phim "Rừng Na Uy" (2010)

Tác giả: Bích Ngọc Theo Guardian/Telegraph

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập437
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm361
  • Hôm nay86,938
  • Tháng hiện tại3,945,045
  • Tổng lượt truy cập151,665,521
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây