BTV Lưu Minh Vũ: “Mỗi khi nghe bài thơ quen thuộc, nỗi đau “bật” lên kinh khủng lắm!”

Thứ tư - 15/08/2018 20:17
“Thực ra tôi cứ cố nghĩ đến cuộc sống hiện tại để nỗi đau lắng xuống nhưng mỗi khi nghe một bài thơ nào đó là nỗi đau “bật” lên kinh khủng lắm”, con trai của cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ.

BTV Lưu Minh Vũ là con trai của nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với nữ nghệ sĩ Tố Uyên. Thời bé, anh được sống nhiều với bố Vũ và má Quỳnh cùng cậu em trai Lưu Quỳnh Thơ. Vì lẽ đó, khi cả 3 người qua đời trong vụ tai nạn năm 1988, Lưu Minh Vũ đã chịu một nỗi đau rất nặng nề.

Nỗi đau đó ám ảnh từ khi còn là cậu bé 18 tuổi cho đến tận bây giờ. Anh tâm sự rằng, mỗi khi nghe một bài thơ, xem một vở kịch… nỗi đau lại hiện về khiến anh không thể thoát ra được.

BTV Lưu Minh Vũ: “Mỗi khi nghe bài thơ quen thuộc, nỗi đau “bật” lên kinh khủng lắm!”

BTV Lưu Minh Vũ (ngoài cùng, bên phải cùng bố má và em trai ngày trước. (ảnh tư liệu)

Cảm xúc của anh như thế nào mỗi khi đến ngày giỗ của bố Lưu Quang Vũ, má Xuân Quỳnh và em trai Lưu Quỳnh Thơ?

(Nghẹn ngào). Mỗi năm đến ngày này, tôi buồn lắm. Buồn mà không khóc được. Nỗi buồn đó cứ ám ảnh, dai dẳng, không bao giờ hết được. Không phải những ngày này mà mỗi khi nghe ai đó đọc một bài thơ của bố má hoặc chợt thấy một hình ảnh thân quen của bố má là lòng tôi lại trĩu nặng.

Ngày xưa, khi bố má mất, nhiều người cứ bàn đến chuyện đền bù này nọ nhưng tôi nghĩ bây giờ có đúc bằng vàng cũng không thể khỏa lấp được nỗi đau trong tôi.

Chỉ có điều khiến tôi cảm thấy an ủi đó là dù bố má và em đã đi xa nhưng trong tâm thức của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ, họ vẫn hiện hữu trong đời sống này. Đặc biệt, cứ đến ngày mất của họ, các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát, các sân khấu… dựng lại các vở diễn của bố Lưu Quang Vũ khiến tình yêu như kéo dài thêm.

Tất cả các vở kịch của bố Vũ tôi đã xem hết rồi, mỗi lần xem là buồn lắm. Xem kịch của hôm nay nhưng trong tâm trí tôi lại toàn hình ảnh của thời bố má còn sống.

Nghe lại lời kể của NSƯT Lê Chức, Nhà văn Ngô Thảo… về cái ngày kinh hoàng hôm đó, anh có sợ hãi lắm không?

Những lời kể của bác Ngô Thảo, bác Lê Chức… tôi đã từng đọc được trong những bài viết của họ. Tôi vẫn còn nhớ, ngày 29/8 của 30 năm về trước, khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra cướp đi bố má và em trai của tôi, mọi người giữ không cho tôi đi xuống Hải Dương. Dù lúc đó tôi đã 18 tuổi, đủ tuổi để tôi nhớ hết mọi thứ nhưng vẫn chưa đủ tuổi để tôi vượt qua cú sốc kinh hoàng ấy. Tôi cứ đổ lỗi cho số phận đã cướp họ khỏi cuộc đời tôi nhưng kỳ thực điều đó quá nghiệt ngã.

Nhiều lúc, tôi tự “ám thị” mình rằng, may mắn là bố má cùng đi với nhau, còn nếu chỉ một trong hai người mất thôi thì không biết người còn lại sẽ sống thế nào. Ngay cả chú Nguyễn Quang Thiều khi viết bài cũng đặt vấn đề như thế.

Trong thời điểm đó, ai là người đã dìu anh đi qua những tháng ngày khó khăn?

Tôi dường như không thể vượt qua được. Nỗi đau quá lớn và quá nặng. Mất cùng lúc 3 người ruột thịt.

Bây giờ, phương tiện giao thông nhiều nên tai nạn cũng nhiều hơn, còn ngày xưa ít phương tiện giao thông nên tai nạn hiếm lắm. Ngày xưa, chuyện bố má tôi thuê một ô tô đi Hải Phòng là phải thuộc dạng có điều kiện lắm. Thời đó, Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi và đang dịp nghỉ hè. Bố tôi nhân dịp đi công tác ở Hải Phòng nên mới cho má và em đi cùng để sau khi xong việc cả nhà ra Đồ Sơn chơi. Và không ngờ, khi về đến chân cầu Phú Lương - Hải Dương thì xảy ra vụ tai nạn ấy.

Hình ảnh của má Xuân Quỳnh có còn đậm sâu trong anh?

Vẫn đậm sâu chứ, người mất không bao giờ già đi được. Với tôi, má Quỳnh là người mẹ thứ hai. Má Quỳnh khi lấy bố Vũ cũng vất vả lắm. Bà phải lo lắng và quán xuyến rất nhiều thứ trong gia đình. Tôi nghĩ, một nhà thơ tình nổi tiếng như bà mà cam chịu được cuộc sống vất vả như thời đó cũng là hiếm.

Sau này, khi lớn lên rồi, tôi có đỡ đần được má một số việc. Má phân công cho tôi giặt quần áo cho bố, em trai tôi giặt quần áo cho má. Tôi còn nhớ má nói với chúng tôi một câu: “Hai anh em làm đi để sau này về còn hầu vợ”. Bây giờ có vợ rồi tôi cũng làm được tất cả mọi thứ từ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp…

Người ta cứ bảo, sao con nhà thơ mà tôi lại không biết làm thơ. Cũng học hành đấy nhưng mỗi lần đặt bút viết trong đầu lại toàn hiện ra những câu thơ của bố mình, má mình. Mỗi khi như thế tôi sợ lắm.

Tôi thuộc rất nhiều câu thơ của má Xuân Quỳnh. Chẳng hạn, đến bệnh viên là tôi lại nhớ ngay đến bài “Thời gian trắng”. Và nhớ những lần vào thăm má khi má bị bệnh phải nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Xô Hà Nội. Nhớ những lần hai má con ngồi trong phòng bệnh trò chuyện thân tình… nhớ lắm.

Thực ra tôi cứ cố nghĩ đến cuộc sống hiện tại để nỗi đau lắng xuống nhưng mỗi khi nghe một bài thơ nào đó là nỗi đau “bật” lên kinh khủng lắm.

Nhà thơ Vi Thùy Linh có nói: “Một người như nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là niềm tự hào lớn lao của bất kỳ ai được làm con ông”. Anh có cảm thấy tự hào về bố mình và truyền niềm tự hào đó cho các con?

Tôi nghĩ hơi khác một chút. Tôi rất yêu bố nhưng tôi cứ ước giá như bố mình kém kém một chút mà ông sống mãi với mình còn hơn ông quá tài giỏi để rồi số phận kéo ông ra xa tôi quá sớm.

BTV Lưu Minh Vũ: “Mỗi khi nghe bài thơ quen thuộc, nỗi đau “bật” lên kinh khủng lắm!” - Ảnh minh hoạ 2
BTV Lưu Minh Vũ chia sẻ trong buổi họp báo giới thiệu đêm thơ nhạc kịch "Tình yêu ở lại" tại Hà Nội.

Còn các con thì thỉnh thoảng tôi vẫn cho đi xem các vở kịch của ông nội. Tôi không kể cho chúng nghe nhiều về ông bởi tôi rất sợ gợi nhắc lại chuyện cũ mà để chúng tự tìm hiểu về ông bà.

Hai cu con của tôi, cu lớn đã 19 tuổi, cu bé 15 tuổi rồi nên chúng cũng nhanh nhạy lắm. Chúng đọc thông tin trên mạng nhiều nên cũng biết kha khá về ông bà.

Những khi nhớ bố má và em trai, anh có thường đến ngồi bên phần mộ của họ để vơi bớt nỗi nhớ?

Có chứ, mỗi lần nhớ, tôi lại chạy ngay đến nơi họ an nghỉ, chẳng để làm gì cả, chỉ để có cảm giác gần bên họ thôi. Tôi không còn sống ở ngôi nhà trên phố Huế - Hà Nội, nơi ngày xưa bố má còn sống nhưng tôi vẫn giữ gần như nguyên vẹn ngôi nhà ấy. Mỗi lần về đó, tôi như bị mê man trong mọi ngóc ngách của ký ức. Nếu cứ ở đó lâu tôi sợ mình bị thần kinh mất.

Các dịp giỗ hàng năm, các cô chú trong gia đình và bạn bè của bố má cũng đến quay quần. Những dịp đó đa phần mọi người nói chuyện vui chứ không dám nhắc nhiều đến chuyện buồn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập695
  • Máy chủ tìm kiếm220
  • Khách viếng thăm475
  • Hôm nay105,733
  • Tháng hiện tại3,292,657
  • Tổng lượt truy cập155,328,261
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây