Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người

Thứ sáu - 24/05/2019 05:14
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện đang lây lan nhanh trên thế giới, tuy nhiên dịch bệnh này không gây bệnh trên người.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện đang lây lan nhanh trên thế giới, tuy nhiên dịch bệnh này không gây bệnh trên người.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra và chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp qua nguồn thức ăn, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút và loài ve mềm (Ornithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh.

Bệnh DTLCP không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Mặc dù bệnh DTLCP không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan nhanh và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế.

Theo thông tin từ tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại hơn 60 quốc gia, phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn và phải chi hàng chục tỉ Đô la Mỹ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 1,5 triệu con lợn. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DSTLCP. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi và công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, phòng chống và tổ chức khống chế bệnh DTLCP hiện nay đang là công việc cấp bách. Chính vì vậy, ngày 20/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP.

Tỉnh Bắc Kạn phát hiện bệnh DTLCP từ đầu tháng 3/2019 tại thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn. Công tác khống chế, ngăn chặn dịch đã đạt kết quả tốt, vì vậy đến ngày 12/4/2019 huyện Ngân Sơn đã công bố hết dịch bệnh DTLCP. Tuy nhiên, trong thời gian từ đầu tháng 5 đến nay, dịch đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan nhanh. Tính đến ngày 16/5/2019 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh thêm 14 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 14 thôn, tổ phố/12 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn, buộc tiêu hủy 262 con lợn với trọng lượng là 13.428 kg.

Trước những diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, ngày 16/5/2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp chống bệnh DTLCP.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào địa bàn vùng có dịch

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 21/5/2019, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố với 38 xã, thị trấn có lợn mắc bệnh.

Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, cùng với các giải pháp quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, người dân cần tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi khi có lợn ốm, chết bất thường phải báo cáo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ cơ sở; thực hiện các biện pháp cấp bách tiêu độc, khử trùng bằng các hóa chất như rắc vôi bột, phun hóa chất theo hướng dẫn của cán bộ thú y; không vứt xác lợn bị bệnh, nghi nhiễm bệnh ra ngoài môi trường.../.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập472
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm402
  • Hôm nay65,937
  • Tháng hiện tại3,252,861
  • Tổng lượt truy cập155,288,465
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây