Bắc Kạn: Kết quả 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới

Thứ hai - 10/07/2017 16:23
Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, nhận thức về giới và bình đẳng giới của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã từng bước được nâng cao.

Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, nhận thức về giới và bình đẳng giới của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã từng bước được nâng cao.

Bắc Kạn: Kết quả 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới
 Tỉnh quan tâm tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận với các lĩnh vực kinh tế - xã hội
(Ảnh: Hội viên phụ nữ trao đổi bên lề Hội thảo nâng cao tiếng nói phụ nữ dân tộc thiểu số do Hội LHPN tỉnh tổ chức tháng 5/2017)

Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11 có hiệu lực ngày 01/07/2007, quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.Trong giai đoạn từ 2007 - 2017, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Trên cơ sở đó các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hội thi cho cán bộ, công nhân viên chức - lao động tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới; tổ chức viết bài dự thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới do Bộ LĐ,TB&XH phát động; Hội thi “Tìm hiểu luật Bình đẳng giới trong đoàn viên thanh niên”; xuất bản 1.600 cuốn “Phụ nữ Bắc Kạn thời kỳ đổi mới”; xây dựng nhiều pa nô, áp phích tuyên tuyền về bình đẳng giới; cấp phát hơn 3.000 sổ tay tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật Bình đẳng giới như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền cho hơn 1.610 lượt người nghe; Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên 07 số bản tin tư pháp với số lượng phát hành 4.500 cuốn; Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 19.648 buổi cho 740.306 lượt hội viên, 01 cuộc mít tinh “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, 02 diễn đàn “Đàn ông đích thực nói không với bạo lực phụ nữ”; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về giới cho 500 người nghe... Ngoài ra, toàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình điểm như: Mô hình “Giảm thiểu nguy cơ tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Tân Sơn (Chợ Mới); mô hình dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Bộc Bố (Pác Nặm); mô hình hỗ trợ làng, xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới tại 5 xã thuộc huyện Chợ Mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 220 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 193 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.814 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 7.241 hòa giải viên được giao nhiệm vụ tuyên tuyền các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình. Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở các cấp, trong những năm qua, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã tổ chức được 50 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về giới cho 1.245 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND cấp xã; 02 lớp cho 150 cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới cấp huyện, xã, thị trấn; 02 lớp cho 542 cán bộ phụ trách công đoàn các cấp; 01 lớp cho 130 cán bộ tư pháp cấp xã và cán bộ trung tâm trợ giúp pháp lý...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 Trung tâm trợ giúp pháp lý tại tỉnh và 05 Trung tâm chi nhánh tại các huyện, thành phố. Các trung tâm trợ giúp pháp lý đã tư vấn trợ giúp pháp lý cho người dân đặc biệt nhiều vụ liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Nhờ vậy, tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý, sức khoẻ tăng lên, trong giai đoạn 2008 - 2010 là 34,4%, giai đoạn 2011 - 2016 là 60%. Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực, trong giai đoạn 2008 - 2010 là 19,5%, giai đoạn 2011 - 2016 là 70%.

Ngoài ra, tỉnh luôn quan tâm tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận với các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định. Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ, năng lực và tham gia tốt công tác quản lý Nhà nước; gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng tỷ lệ nữ trong các khóa đào tạo, ưu tiên bố trí cho chị em được tham gia các loại hình đào tạo phù hợp. Công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của tỉnh.

Song song với đó, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn cũng được tỉnh quan tâm triển khai như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ được tạo việc làm và thu nhập ổn định. Giai đoạn 2007 - 2010, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới đạt 42%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 46%, đến tháng 12/2016 đạt 48%. Về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,9%, đến tháng 12/2016 đã đạt 8,6%. Tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 65,2%, đến tháng 12/2016 đạt 67,8%.

Có thể thấy, những kết quả đạt được khá toàn diện và có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ bé, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn thấp, nguồn lực cho sự phát triển vẫn chủ yếu dựa vào Trung ương; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng, giao thông, nhất là các huyện miền núi không thuận lợi...

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, tỉnh đề ra các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường hỗ trợ địa phương về nguồn lực và kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, huyện và mở các lớp tập huấn cho các đối tượng khác nhau như thanh tra, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các báo, đài và các cơ quan truyền thông, cán bộ ngành tư pháp cấp tỉnh, huyện, cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ, cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành; hỗ trợ các chương trình dự án về thực hiện công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới cho tỉnh, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập554
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm454
  • Hôm nay110,814
  • Tháng hiện tại3,297,738
  • Tổng lượt truy cập155,333,342
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây