HOICHOTHUONGMAI

Xây dựng kè biên giới gắn camera để chống "nhập cảnh" tội phạm từ Trung Quốc?

Thứ sáu - 03/01/2020 11:07
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, phối hợp với địa phương để xây dựng tuyến kè lắp đặt hàng rào camera giám sát chống xuất nhập cảnh trái phép đối với cả người nước ngoài và người Việt Nam, ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ càng sớm càng tốt. >> >>

Tội phạm trên mạng, phức tạp nhất là bôi nhọ, chống phá

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019 của Ban chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Ban chỉ đạo 398 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại chiều 2/1, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh vấn đề tội phạm trên mạng.

Theo Bộ trưởng, đây là thách thức lớn nhất, không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. “Trên thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. Tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng” – Bộ trưởng Công an khái quát.

Trên không gian mạng đó, phức tạp nhất là tội phạm gián điệp mạng, tấn công mạng, tung tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, xâm phạm bí mật đời tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí.

Xây dựng kè biên giới gắn camera để chống

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu 5 vấn đề nổi cộm về tình hình tội phạm mới tại hội nghị.

Bộ trưởng Công an đặc biệt nhấn mạnh nhóm tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng hiện nay, với khoảng 30 nhà cái ở nước ngoài móc nối với tội phạm trong nước thiết lập các đường dây. Số tiền đánh bạc hàng ngày lên tới hàng triệu USD như nhiều vụ án rất lớn đã được bóc gỡ thời gian qua.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, rất cần sự phối hợp của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị, đồng bộ với các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật trọng tâm là thực hiện luật An ninh mạng...

Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ TT-TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.

Liên quan đến vấn đề đấu tranh, phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, chỉ trong 2019, số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tăng khoảng 17 triệu lượt. Vì vậy, tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam cũng tăng trên nhiều lĩnh vực như tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, mại dâm, buôn bán người, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của…

Hiện, các trại giam của Bộ Công an quản lý khoảng 500 tội phạm là người nước ngoài của 25 nước.

Theo Bộ trưởng, công tác quản lý người nước ngoài liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ công tác quản lý người nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Quý Vương thông tin thêm về việc tội phạm mạng và tội phạm có yếu tố nước ngoài đang có sự gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhau. Tình trạng người nước ngoài sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn gây hậu quả nghiêm trọng, đang có xu hướng gia tăng.

Nhắc tới vấn đề tội phạm lừa đảo, đánh bạc qua mạng chiếm đa số, Tướng Vương dẫn chứng vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet (có máy chủ đặt tại nước ngoài) tại khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng.

Báo cáo về vấn đề từ đầu cầu Quảng Ninh của lãnh đạo địa phương này nêu nhận định khái quát về tình hình tội phạm người nước ngoài trên địa bàn. Theo thống kê, năm 2019 có 6 triệu khách du lịch đến kinh doanh và sinh sống ở Quảng Ninh. Mặc dù đã quản lý chặt chẽ, cơ quan chức năng vẫn phát hiện, xử lý 654 đối tượng, chủ yếu là người Trung Quốc, xâm phạm, nhập cảnh bất hợp pháp vào du lịch, kinh doanh và lao động, vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Thực tế, công tác quản lý biên giới có lúc còn sơ hở, để tội phạm qua lại hoạt động. Do địa hình biên giới phức tạp với hơn 40 đường mòn lối mở ở Quảng Ninh, cả người và hàng hóa đều có thể xuất nhập khẩu qua biên giới.

Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, phối hợp với địa phương để xây dựng tuyến kè lắp đặt hàng rào camera giám sát chống xuất nhập cảnh trái phép đối với cả người nước ngoài và người Việt Nam, ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ ở Quảng Ninh càng sớm càng tốt.

Vụ giết 5 người ở Thái Nguyên, hung thủ đang cai nghiện tại nhà

Xây dựng kè biên giới gắn camera để chống

Mấu chốt của công tác phòng chống tội phạm, theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm là phải giải quyết các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để không làm phát sinh tội phạm. Phân tích đánh giá của Bộ Công an cho thấy, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự năm 2019 đã giảm 39% nhưng nhóm tội phạm do nguyên nhân xã hội lại tăng, số vụ giết người do mâu thuẫn, thù tức tăng 8,5%, hiếp dâm tăng 10,16%, hiếp dâm trẻ em tăng 7,51%. Tính trung bình 5 năm gần đây mỗi năm xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội, khoảng 20% các vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, trong đó nổi lên một số vụ giết nhiều người rất thương tâm.

Bộ trưởng Công an cũng phân tích, thành phần đối tượng phạm tội có nhiều thay đổi, số đối tượng phạm tội lần đầu chiếm tỉ lệ trên 81%, số đối tượng này phần lớn không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an nên phòng ngừa rất khó khăn. Trong nhiều vụ án, nếu các cấp, các ngành quyết liệt hơn trong việc giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, chúng ta có thể hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn các vụ án hình sự và án mạng xảy ra.

Từ đó, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các ngành, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia công tác phòng ngừa tội phạm, trọng tâm là phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cảm hóa giáo dục đối tượng ngay tại cơ sở.

Mở rộng sang vấn đề tội phạm ma túy - tội phạm của các loại tội phạm, Bộ trưởng Công an chỉ rõ, khi đối tượng nghiện ma túy đã lên cơn nghiện thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng. Điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam tiếp tục gia tăng, mỗi năm khoảng 5.000 người. Một phần lớn số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội, làm nhân dân rất lo lắng và bất an. Nhưng chính gia đình người nghiện ma túy lại cũng là những người lo lắng và bất an nhất khi không biết điều gì đang xảy ra với gia đình mình.

Điển hình như vụ đối tượng Hoàng Văn Chín giết 5 người trên Thái Nguyên, đây là đối tượng nghiện ma túy, đang thực hiện quyết định của UBND xã về việc thực hiện cai nghiện tại gia đình. Việc gia đình quản lý rất khó khăn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện. Bộ Công an đã đề nghị Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tham mưu Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá các hình thức cai nghiện hiện nay theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, từ đó đề xuất các hình thức cai nghiện hiệu quả nhất, nhất là coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung.

Trong khi chờ tổng kết công tác tìm ra giải pháp mới, Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện đang ở ngoài xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm341
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại3,971,909
  • Tổng lượt truy cập151,692,385
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây