HOICHOTHUONGMAI

Tuyển dụng viên chức: Chấm dứt cơ chế xin - cho!

Thứ tư - 27/03/2019 22:11
(Dân trí) - Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức nêu phương án quy định viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn. Đây được cho là cách thức chống cơ chế “xin-cho” trong tuyển dụng…

Đây cũng là nội dung nhận nhiều quan tâm khi dự luật được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 17 của UB Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo luật).

Cụ thể, về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới (khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật – sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức), tờ trình Chính phủ đưa ra 2 phương án đề xuất.

Tuyển dụng viên chức: Chấm dứt cơ chế xin - cho!

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật

Theo phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Phương án 2 cho rằng, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra, đa phần các ý kiến trong Thường trực UB Pháp luật tán thành Phương án 2 của Chính phủ.

Lý do được viện dẫn, việc tuyển dụng người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động đang thực hiện theo hai hình thức: hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn và không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần. Vì thế, việc quy định như Phương án 2 sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức, tránh được cơ chế “xin-cho”.

Tuy nhiên, thường trực UB Pháp luật cũng đề nghị, cùng với việc sửa đổi chế độ hợp đồng theo hướng này, cần có sự điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng” có “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc, như thông qua việc đánh giá, phân loại, gắn đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động được tuyển dụng luôn phải nỗ lực, cố gắng.

Những ý kiến tán thành với phương án 1 thì cho rằng, quy định như vậy phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương; tăng thêm vai trò của cơ quan sử dụng viên chức, bảo đảm lựa chọn được người phù hợp cho vị trí thực hiện công việc, đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, làm động lực để viên chức đã được tuyển dụng luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Lao động về vấn đề này theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuyển dụng viên chức: Chấm dứt cơ chế xin - cho! - Ảnh minh hoạ 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu sớm hoàn thành dự luật để trình Quốc hội xem xét. Dự kiến, luật sẽ được ban hành trong năm 2019.

Liên quan đến chính sách đối với người có tài năng (khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật – sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức), nhiều đại biểu tán thành cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung này để thực hiện nghị quyết Trung ương và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong luật hiện hành đã có Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng. Cụ thể hóa điều này, Chính phủ đã ban hành một số quy định cụ thể trong một số lĩnh vực và đã phát huy những hiệu quả nhất định trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, do lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng nên việc sửa đổi Điều 6 theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này rất phù hợp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cần bổ sung thêm nội dung tại Điều 6 theo hướng Chính phủ quy định cả khung cơ chế, chính sách để “phát hiện”, “bồi dưỡng”, “trọng dụng” người có tài năng.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, nêu ý kiến chỉ đạo với ban soạn thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu khẩn trương hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong năm 2019 theo quy trình 2 kỳ họp Quốc hội, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập515
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm415
  • Hôm nay68,091
  • Tháng hiện tại2,658,944
  • Tổng lượt truy cập150,379,420
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây