HOICHOTHUONGMAI

Tổng Bí thư: Ai trót để tay nhúng chàm thì hãy sớm tự gột rửa

Thứ tư - 11/10/2017 04:10
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ đến thế?”. Tổng Bí thư khẳng định, vì đó là việc làm hợp lòng dân nên người dân tin…

Sáng 11/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, hội nghị Trung ương 6 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và họp phiên bế mạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc các Ủy viên Trung ương và đại biểu tham dự Hội nghị đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.

Tổng Bí thư: Ai trót để tay nhúng chàm thì hãy sớm tự gột rửa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp cán bộ nào vi phạm kỷ luật cũng phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương".

Tránh xa vết xe đổ, tránh để tay nhúng chàm

Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư cho biết, sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, đánh giá cao việc chuẩn bị và thống nhất cao với đề nghị của Bộ Chính trị về việc bầu bổ sung 2 Ủy viên Ban Bí thư Khóa XII. Theo đó, ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã được bầu bổ sung vào Ban Bí thư với số phiếu rất tập trung.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tân Bí thư Trung ương Đảng phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trên lĩnh vực công tác quan trọng được Đảng phân công.

Tổng Bí thư cũng nhắc việc Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

“Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc” – Tổng Bí thư khái quát.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung. “Đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa!” – Tổng Bí thư đúc kết.

Tổng Bí thư cũng nêu vấn đề: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế? Cần khẳng định, việc làm hợp lòng dân thì dân tin và dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Người lãnh đạo đứng đầu Đảng cũng quán triệt, từ nay trở đi, bất cứ trường hợp cán bộ nào vi phạm kỷ luật cũng phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu quý trọng của nhân dân.

Tổng Bí thư: Ai trót để tay nhúng chàm thì hãy sớm tự gột rửa - Ảnh minh hoạ 2

Giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm"

Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư phân tích, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân… Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị.

Theo đó, “cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".

Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm…

Kết thúc hoạt động các Ban chỉ đạo ở 3 khu vực

Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã “chín” và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước. Cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù họp. Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kính tế đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...

Về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, cùng với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

“Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng không thương mại hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học - công nghệ có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức công ty cổ phần”, Tổng Bí thư nói.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm365
  • Hôm nay67,879
  • Tháng hiện tại3,925,986
  • Tổng lượt truy cập151,646,462
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây