Quốc hội kỳ họp 8 và những thay đổi nhân sự cuối nhiệm kỳ

Thứ ba - 22/10/2019 08:57
(Dân trí) - Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay, 21/10 , dự kiến kéo dài tới 27/11. Kỳ họp này chứng kiến sự thay đổi 2 lãnh đạo cấp cao, một nhân sự do Quốc hội bầu, một nhân sự do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước phê chuẩn. Đó là vị trí Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội và “ghế” Bộ trưởng Y tế. >>

Thông báo về chương trình kỳ họp thứ 8 ít ngày trước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin cụ thể nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp này.

Sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc hội, chiều cùng ngày Quốc hội nghe kết quả thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cũng diễn ra vào sáng 25/11 là quy trình miễn nhiệm Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Nội dung này do UB  Thường vụ Quốc hội trình. Việc miễn nhiệm chức danh cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau đó, sáng 26/11, Quốc hội sẽ bầu Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phần nội dung nhân sự này thì có quy trình bầu Chủ nhiệm mới của UB Pháp luật thay ông Định. Nghị quyết bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật mới được thông qua chiều cùng ngày.

Quốc hội kỳ họp 8 và những thay đổi nhân sự cuối nhiệm kỳ
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được phân công đảm nhiệm những cương vị công tác mới.

Nội dung phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và miễn nhiệm Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định được cho chỉ là vấn đề thủ tục khi thực tế, ông Định đã chính thức nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà 2 ngày trước, theo quyết định phân công của Bộ Chính trị, còn bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khẳng định bà đảm nhiệm vị trí công tác mới là Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương trong chuyến công tác sau cùng trên cương vị Bộ trưởng Y tế ít ngày trước.

Trao đổi về lý do Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế dù vẫn còn hơn một năm nhiệm kỳ công tác nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu 2 thông tin, ngoài việc bà Tiến được điều chuyển đảm nhiệm cương vị mới thì còn yếu tố nữ Bộ trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, năm nay tròn 60 tuổi.

Quốc hội kỳ họp 8 và những thay đổi nhân sự cuối nhiệm kỳ - Ảnh minh hoạ 2
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Tuy nhiên, bình thường, các cán bộ lãnh đạo khi được quy hoạch, lựa chọn cho một vị trí tầm Bộ trưởng, vấn đề tuổi đảm nhiệm chức vụ đã được xem xét kỹ, đủ tuổi cho 2/3 nhiệm kỳ công tác là đủ điều kiện. Ở đây, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi được gần hết 4/5 nhiệm kỳ (2016-2021), chỉ còn hơn một năm nữa là trọn vẹn 2 khoá trên cương vị Bộ trưởng Y tế.

Điều đặc biệt, trong nhiệm kỳ thứ 2 làm tư lệnh ngành Y tế này, bà Tiến là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ, cũng là người duy nhất không phải Uỷ viên Trung ương. Một Bộ trưởng không phải Uỷ viên Trung ương là chuyện không phổ biến lâu nay.

Việc lựa chọn nhân sự cho chức vụ Bộ trưởng Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức bỏ ngỏ tại kỳ họp lần này của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung này không có trong chương trình nghị sự. Tổng Thư ký Quốc hội đã giải thích, Quốc hội chỉ xem xét nhân sự thay thế vị trí của Bộ trưởng trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nhưng  đến ngày khai mạc kỳ họp, phía Chính phủ chưa thực hiện quy trình này.

Quốc hội kỳ họp 8 và những thay đổi nhân sự cuối nhiệm kỳ - Ảnh minh hoạ 3

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi bắt đầu kỳ họp. (Ảnh: Việt Hưng)

Ông Nguyễn Hạnh Phúc gợi mở, vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phụ trách lĩnh vực văn - xã) kiêm nhiệm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế. Như vậy, vị trí lãnh đạo Bộ Y tế sẽ không bị bỏ trống.

Tuy nhiên, Bộ trưởng là chức danh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm. Vậy nên dù có đảm nhiệm việc phụ trách ban lãnh đạo Bộ Y tế về mặt Đảng, được Chính phủ phân công điều hành Bộ này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không được xem là tân Bộ trưởng Y tế. “Ghế” Bộ trưởng y tế sẽ trống một thời gian.

Đối với trường hợp Chủ nhiệm UB Pháp luật, chức danh này sẽ được kiện toàn ngay sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Khắc Định. Khác với Bộ Y tế, trước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV này, UB Pháp luật đã có nhiều đời Chủ nhiệm (chức danh tương đương Bộ trưởng) không phải là uỷ viên Trung ương Đảng. Đến khoá này, ông Nguyễn Khắc Định là một uỷ viên Trung ương lại dời ghế Chủ nhiệm UB khi chưa trọn nhiệm kỳ.

Dự kiến nhân sự kế nhiệm ông Định chưa được tiết lộ nhưng Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng để ngỏ một phương án khi đề nghị không tổ chức họp đoàn đại biểu Quốc hội như quy trình đầy đủ, thông thường đối với nhân sự dự kiến để bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh ủy viên UB Thường vụ Quốc hội. Còn nguồn nhân sự tại chỗ của UB Pháp luật thì các Phó Chủ nhiệm hiện tại của UB này không ai là uỷ viên Trung ương. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

3 dự thảo nghị quyết cũng được dự kiến thông qua tại kỳ họp này là: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có).

Có 9 dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này.

Về việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ngoài những nội dung theo định kỳ, Quốc hội còn xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên họp trù bị trước khi chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo về việc UB Thường vụ Quốc hội thống nhất cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Hồ Văn Năm - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, do đã bị thi hành kỷ luật về Đảng và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe, kể từ ngày 18/9/2019. UB Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về chủ trương giao ông Bùi Xuân Thống, Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này thay ông Hồ Văn Năm cho đến khi kiện toàn nhân sự Trưởng đoàn mới.

Như vậy, đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV còn lại 483 đại biểu trên tổng số 494 đại biểu ban đầu. Trong số 11 đại biểu không còn tại vị, 4 người đã từ trần, 1 người ra nước ngoài làm nhiệm vụ đại sứ, 6 người vì những sai phạm bị phát hiện, bị kỷ luật, phải cho thôi khi không còn tín nhiệm với cử tri.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập529
  • Máy chủ tìm kiếm117
  • Khách viếng thăm412
  • Hôm nay58,552
  • Tháng hiện tại3,245,476
  • Tổng lượt truy cập155,281,080
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây