Lãnh đạo Chính phủ nói về thực trạng suy thoái của cán bộ công chức

Thứ năm - 27/06/2019 16:19
(Dân trí) - Trả lời chất vấn  của đại biểu Quốc hội về trực trạng đạo đức, lối sống, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo Chính phủ xác nhận những tồn tại như hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, biểu hiện suy thoái xảy ra ở nhiều nơi, công chức vi phạm pháp luật, từ cán bộ cơ sở tới cán bộ cấp cao…

Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt

Chất vấn bằng văn bản gửi tới Thủ tướng Chỉnh phủ, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết thực trạng đạo đức, lối sống và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Đại biểu cũng muốn biết nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, lối sống và giải pháp giảm số lượng (giảm biên chế) và tăng chất lượng đội ngũ công chức.

Trả lời vấn đề này, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhận thức được vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đề ra và thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chủ trương “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Việc triển khai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.  

Lãnh đạo Chính phủ nói về thực trạng suy thoái của cán bộ công chức

Cán bộ Hải quan Hải Phòng từng bị phát giác hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (ảnh minh hoạ) 

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý; kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm; vẫn nảy sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà tới người dân, doanh nghiệp. Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Tình trạng vi phạm pháp luật, quy chế, quy định trong hoạt động công vụ, có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức từ cơ sở cho tới cán bộ cao cấp ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội, cuối tháng 12/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt đề án Văn hóa công vụ. 

Đề án tập trung thực hiện các nội dung về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của đề án văn hóa công vụ, giải pháp mạnh mẽ là các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị cần rà soát, hệ thống hóa để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương.

Tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ; xác minh, xử lý công khai, minh bạch các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng hoặc nhân dân cung cấp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; tổ chức đoàn công tác của Thủ tướng kiểm tra hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào nội dung chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 năm 2019 của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ "tham nhũng vặt", biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nâng cao ý thức, văn hoá ứng xử của đội ngũ trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội, của hệ thống chính trị và bộ máy công quyền nhà nước; lên án các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, mê tín, dị đoan, chạy theo lối sống thực dụng, trục lợi, vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Công khai, minh bạch trình tự thủ tục hành chính giải quyết các công việc tại trụ sở các cơ quan, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của công chức với người dân, tránh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Chỉ tiêu giảm 10% biên chế trong 5 năm, 4 năm, Chính phủ giảm được 6,75%

Về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhắc lại chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế trong toàn hệ thống chính trị đến năm 2021. Theo đó, Chính phủ luôn chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Phó Thủ tướng dẫn các con số thống kê, tại khối Chính phủ, tính đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng 68 đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.268 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.907 người).

Đánh giá chung, Phó Thủ tướng nhận định, thực tế mới thực hiện giảm số lượng đơn thuần (số lượng giảm hầu hết là nghỉ hưu trước tuổi), chưa gắn việc giảm số lượng với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế sự nghiệp y tế và giáo dục vẫn thừa, thiếu cục bộ.

Trước những tồn tại như vậy, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời". Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập493
  • Máy chủ tìm kiếm108
  • Khách viếng thăm385
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,229,324
  • Tổng lượt truy cập155,264,928
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây