HOICHOTHUONGMAI

Dấu “mật” gây khó cho sửa luật chống tham nhũng

Chủ nhật - 10/09/2017 13:02
Việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng đang gặp nhiều thách thức, không chỉ về tính khả thi của chính sách, quy định, mà còn các vấn đề kỹ thuật do “đụng” phải văn bản… mật.

Dự thảo luật PCTN sửa đổi vừa được đưa ra UB Tư pháp của Quốc hội thảo luận, thẩm định trong phiên họp thứ 7 của cơ quan này ít ngày trước. Trong tờ trình của Chính phủ gửi tới UB Tư pháp, mục đầu tiên được đề cập là về sự cần thiết của việc phải sửa luật lần này. Theo đó, việc sửa đổi luật được lý giải là nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN.

Hàng loạt văn bản, chỉ thị, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị được dẫn chiếu, trong đó, văn bản mới nhất là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN…

Dấu “mật” gây khó cho sửa luật chống tham nhũng
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (giữa), Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp của UB này để thẩm tra dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

“Kết luận số 10 đóng dấu “mật”. Chúng tôi mất mấy tháng mới tiếp cận được để nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng để đưa vào dự luật lần này” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, thành viên Ban soạn thảo dự luật, bày tỏ với người đứng đầu cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga.

Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng Nguyễn Mạnh Hùng – thành viên tổ biên tập sửa đổi Luật PCTN cũng chia sẻ: “Văn bản mật thì chỉ gửi tới những địa chỉ cụ thể, không được photo, trao đổi rộng rãi. Vậy nên các hội thảo, hội nghị để thảo luận dự thảo khó nắm bắt hết, chính xác được các nội dung trong văn bản ấy đề mà góp ý cho phương án thể chế hóa. Mặt khác, do mật nên ngay cả chúng tôi cũng khó giải trình hết lý do của từng điều khoản. Mình mà nói hết nội dung của văn bản gốc, có khi lại bị đánh giá làm… lộ mật”.

Câu chuyện sửa Luật PCTN đang được bàn thảo không phải là cá biệt về chuyện vướng vì văn bản cộp dấu “mật”. 12 năm trước, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp, văn bản này cũng được đóng dấu mật.

Bộ trưởng Tư pháp khi ấy là ông Uông Chu Lưu (hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội) cùng lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương đã rất lúng túng trong việc thảo luận, xây dựng các đề án để cụ thể hóa các tư tưởng cải cách lớn trong văn kiện quan trọng này. Giờ trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, mỗi khi bàn về công khai, minh bạch, ông Lưu thường kể là đã phải tham mưu, và cuối cùng lãnh đạo chấp nhận xóa dấu mật. Nhờ thế, chỉ gần google tìm kiếm trên internet với từ khóa “Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị” là ra 3,3 triệu kết quả, chi tiết từ đầu đến cuối văn kiện này.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, công việc của cơ quan này thường hay gặp phải những văn bản “mật”, mà nếu tính đến độ phổ biến, diện các bộ được tiếp cận thì rộng tới mức khó giữ mật nữa.

“Như tuần này, chúng tôi sẽ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, báo cáo của công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Tất cả những báo cáo này, theo thông lệ, đều đóng dấu mật. Tố tụng là công khai. Vậy tại sao báo cáo về hoạt động công khai lại đóng dấu “mật”? Văn bản mật ấy trình kỳ họp Quốc hội với ngót 500 đại biểu. Mà đại biểu thì sẽ tương tác với báo chí, với dân, và sẽ phải giải trình, báo cáo về các nội dung liên quan. Vậy còn gì là mật nữa?”.

Trở lại với câu chuyện của Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng Nguyễn Mạnh Hùng, ông kể: “Tôi có hỏi chị Lê Thị Nga, rằng là Ủy viên Trung ương, chị có hiểu tại sao Kết luận số 10 lại phải đóng dấu mật không. Chị Nga chỉ cười. Thực tình, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã không đóng dấu mật, công khai rộng rãi. Nội dung Kết luận số 10 cơ bản cũng chỉ nhắc lại các yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3, thì mật làm gì?”.

Phóng viên hỏi lại, bà Lê Thị Nga cũng cười. “Đúng là dấu “mật” có gây khó cho chính hoạt động của chúng tôi. Khóa trước, giám sát tư pháp, tôi muốn tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, mà rất khó. Vì nghị định này mật. Rồi gặp văn bản, văn kiện của Đảng đều đóng dấu “mật”, cũng rất lúng túng. Không chỉ là khó xin, khó tiếp cận mà còn khó trích dẫn. Không trích dẫn thì không có lập luận để giám sát, để thẩm tra dự luật. Mà trích dẫn thì lại sợ bị đánh giá làm lộ mật”.

Bộ Công an hiện đang chủ trì dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để tới đây Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Bà Nga cũng như ông Cường hi vọng vấn đề lạm dụng “mật”, mà ngay các cơ quan hoạch định chính sách của quốc gia cũng là… “nạn nhân” sẽ được bàn thảo kỹ, giải quyết rốt ráo.

Tác giả: Nghĩa Nhân

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập410
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm323
  • Hôm nay91,296
  • Tháng hiện tại3,949,403
  • Tổng lượt truy cập151,669,879
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây