Đất ven biển bị người nước ngoài thâu tóm cho thấy chủ quyền bị đe dọa

Thứ sáu - 22/05/2020 07:09
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cảnh báo nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế đối ngoại, từ việc người nước ngoài “núp bóng” mua gom đất tới chuyện "đường lưỡi bò" xuất hiện nhiều nơi... >>

Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 sáng 22/5.

2 Bộ “chưa phát hiện”, 1 Bộ khẳng định chuyện người Trung Quốc “lập xóm”

Đất ven biển bị người nước ngoài thâu tóm cho thấy chủ quyền bị đe dọa
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhắc lại các chất vấn về tình trạng người nước ngoài mua gom đất, đầu tư núp bóng tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề xuất xây dựng luật an ninh kinh tế với 8 lý do.

Trước hết, ông nêu lý do xuất phát từ nguy cơ đe doạ đến an ninh kinh tế như nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Đơn cử như hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong nhiều công cụ ở các lĩnh vực từ du lịch đến hoạt động kinh doanh khác, vấn đề thu gom bất động sản ven biển đang được dư luận quan tâm...

Đó còn là nguy cơ từ bất ổn cân đối vĩ mô qua chỉ số tăng trưởng đầu tư công, an toàn chính sách tài khoá; tham nhũng qua dự án hợp tác quốc tế vì qua hợp tác để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm nhằm thao túng kinh tế; tham nhũng từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất đai; khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất; an ninh môi trường sống, đe doạ tính mạng của nhân dân; nguy cơ về an ninh văn hoá.

Sau nữa, theo ông Vân, “biến cố” Covid-19 cho thấy thế giới đang được vẽ lại bản đồ chính trị - kinh tế. Lỗ hổng toàn cầu thông qua đại dịch buộc các quốc gia thắt chặt an ninh kinh tế theo cách riêng của mình, đó là bảo đảm nội lực để ngăn tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của dịch có thể phá vỡ độ liên kết giữa các quốc gia trong hoạt động kinh tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì đặt vấn đề về kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài liên quan an ninh quốc phòng đang được người dân rất quan tâm.

“Vừa rồi nổi lên pháp luật đang có chỗ trống, khi nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở này. Có thể mục đích chưa chắc xâm phạm chủ quyền nhưng không loại trừ thế lực thù địch lợi dụng, tạo ra nguy cơ” - ông Nghĩa cho biết.

Ông băn khoăn, tình hình người nước ngoài núp bóng mua gom đất ở khu vực nhạy cảm, Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng nói “chưa thấy gì”, cử tri phản ánh việc người Trung Quốc “lập phố”, “lập xóm”, Bộ trưởng Công an cũng bảo “chưa phát hiện” nhưng báo cáo của Bộ Quốc phòng đã nêu cụ thể về hiện tượng này, được người dân và cử tri quan tâm.  

Đại biểu Nghĩa nhận xét: “Tôi xem dự thảo luật Đầu tư của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhưng chưa đủ chưa đáp ứng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Vì vậy cần có bộ luật triển khai Nghị quyết 50, 58 của Chính phủ đó như bộ lọc để triển khai”.  

Đề nghị triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị có Luật thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, an ninh truyền thống và phi truyền thống, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư, di dân và du lịch.

Báo cáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm chậm trễ sửa luật Đất đai

Một vấn đề khác được quan tâm, đề cập tại phiên thảo luận là việc rút dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (thực tế là lùi hẳn sang nhiệm kỳ sau -PV) theo đề xuất của Chính phủ để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.  

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thuyết phục, việc một lần nữa rút dự án luật là để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án luật bảo đảm chất lượng.

Ông Hoàng Thanh Tùng cập nhật thêm tiến độ xây dựng luật này, nếu kịp, các cơ quan sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, UB Thường vụ đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành luật Đất đai vào chương trình năm 2020.

Đất ven biển bị người nước ngoài thâu tóm cho thấy chủ quyền bị đe dọa - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cẩn Thơ) không tán thành việc lùi sửa luật Đất đai.

Không đồng tình với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình để chậm nhất là đầu năm 2021 phải trình Quốc hội cho ý kiến theo hướng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết đánh giá làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai chứ không phải một số điều để khắc phục vướng mắc, phù hợp thực tiễn.

Đại biểu phân tích, thực tế đòi hỏi luật này khi vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần kiến nghị Quốc hội hoàn thiện luật. Việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, nếu chậm xem xét sửa đổi bổ sung thì ảnh hưởng đến điều hành, quản lý thúc đẩy kinh tế xã hội và giữ vững trật an toàn xã hội.  

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm, báo cáo rõ nguyên nhân của việc chậm trễ sửa luật Đất đai, xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận xét, việc “đưa vào và rút ra” một số dự án luật thể hiện không đúng tinh thần thể chế hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về các vấn đề quan trọng, cấp thiết, được thực tiễn đòi hòi. Việc sửa luật Đất đai, tại kỳ họp trước, đại biểu đã nhất trí phải đưa vào chương trình vì tính chất quan trọng. Kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ, phần lớn tranh chấp, xung đột do đất đai, doanh nghiệp nguy khốn mà người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập574
  • Máy chủ tìm kiếm123
  • Khách viếng thăm451
  • Hôm nay58,898
  • Tháng hiện tại3,245,822
  • Tổng lượt truy cập155,281,426
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây