Ý đồ của Nga - Trung khi đưa máy bay "lởn vởn" gần quần đảo tranh chấp Nhật - Hàn

Thứ bảy - 27/07/2019 08:39
(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng cuộc tuần tra chung của Nga và Trung Quốc sát quần đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây nhằm nhiều dụng ý, vừa để thử Mỹ, vừa chia rẽ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, vừa cho thấy tham vọng không giấu giếm của Moscow và Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng. >> >> >>
Video tiêm kích Hàn Quốc chặn máy bay ném bom Moscow xâm nhập không phận
Ý đồ của Nga - Trung khi đưa máy bay

Một máy bay ném bom TU-95 của Nga bay biển Hoa Đông hôm 23/7 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Cuộc đấu khẩu giữa 4 “ông lớn”

Quần đảo hẻo lánh, xa xôi, tranh chấp ở Thái Bình Dương, mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima, đã trở thành tâm điểm chú ý sau vụ việc được cho là xâm phạm không phận liên quan tới một máy bay Nga.

Hàn Quốc tuyên bố các máy bay chiến đấu của nước này đã bắn 360 phát đạn cảnh cáo máy bay tình báo và radar A-50 của Nga sau khi giới chức Seoul nói nó đã hai lần đi vào vùng 12 hải lý mà Hàn Quốc coi là không phận trên quần đảo Dokdo.

Moscow đã giận dữ bác bỏ cáo buộc của Seoul về vụ việc, nói rằng các máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã liều lĩnh chặn 2 trong số các máy bay ném bom của nước này tham gia cuộc tập trận quận đầu tiên với Trung Quốc trong vùng biển quốc tế. Hai máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đã bay cùng máy bay Nga trong cuộc tập trận chung.

Giống Hàn Quốc, Nhật Bản cũng điều các máy bay chiến đấu để chặn các máy bay của Nga và Trung Quốc. Và giống Seoul, Tokyo cũng cho rằng các máy bay Nga đã vi phạm không phận. Nhưng hai nước chỉ đồng tình ở mức đó.

Và như Tokyo khẳng định, quần đảo trên thuộc sở hữu của Tokyo, vì thế, theo giới chức Nhật Bản, các máy bay Nga đã xâm phạm không phận Nhật Bản, và hơn nữa là các máy bay Hàn Quốc cũng không có nhiệm vụ bắn cảnh cáo trên lãnh thổ Nhật Bản.

Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Washington đang cố gắng hàn gắn Seoul và Tokyo - hai đồng minh thân cận nhất tại châu Á, trong bối cảnh các nước này đang nỗ lực chống lại sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn nữa.

Ý đồ của Nga - Trung

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng nhận định, Cuộc tuần tra chung của Nga và Trung Quốc dường như nhằm nhiều mục đích, trong đó có việc thử cam kết của Mỹ đối với các đồng minh khu vực, trong bối cảnh Bắc Kinh và Moscow muốn tái cân bằng sức mạnh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Tokyo và Seoul.

“Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, và các biện pháp đáp trả của họ đối với các vụ xâm nhập không phận của máy bay Nga và Trung Quốc”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nói.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc tuần tra chung đã cho thấy tham vọng không giấu giếm của Moscow và Bắc Kinh nhằm mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng chính trị, trong bối cảnh cam kết quân sự của Washington đối với khu vực bị đặt dấu hỏi và quan hệ giữa các đồng minh then chốt của Washington tiếp tục xấu đi.

Ý đồ của Nga - Trung khi đưa máy bay

Quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima, nơi cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền. (Đồ họa: Straits Times)

Các lo ngại về sự hợp tác của liên minh 3 bên Nhật - Mỹ - Hàn đã gia tăng giữa lúc mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo đối mặt với thách thức chưa từng có, khi Tokyo gọi Seoul là “không đáng tin cậy”, còn Hàn Quốc đang cân nhắc việc gia hạn thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản.

Bắc Kinh và Moscow coi sự hợp tác 3 bên là một cách để Washington kiềm chế sự mở rộng quân sự của họ ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà quan sát cho rằng cuộc tập trận được phối hợp rất kỹ càng nhằm gửi thông điệp tới Mỹ và các đồng minh.

Ông Carl Schuster, cựu quan chức Hải quân Mỹ và cựu giám đốc các chiến dịch tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng: “Khía cạnh chiến lược quan trọng nhất của vụ việc này là nó đã cho thấy cấp độ mới và cao hơn trong hợp tác quân sự Nga-Trung.

Artyom Lukin, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho rằng Moscow và Bắc Kinh đã tăng cường cái mà ông miêu tả là “bán liên minh”. Ông miêu tả vụ việc là nhằm chứng tỏ sức mạnh chung, và gửi một thông điệp đến cả Tokyo, Seoul và Washington.

Các phân tích của ông Carl Schuster và Artyom Lukin dẫn tới một điều mà Washington vẫn lo ngại - hoặc thậm chí đã dự đoán được - về một liên minh thân thiết giữa hai đồng minh vỗn có truyền thống “không ưa” Mỹ.

“Trung Quốc và Nga đang liên minh mạnh mẽ hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ giữa những năm 1950, và mối quan hệ này nhiều khả năng sẽ được tăng cường trong năm tới”, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats hói với một ủy ban Thượng viện Mỹ hồi tháng 1.

“Khi Trung Quốc và Nga tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, họ đang làm xói mòn các mô hình an ninh đã được thiết lập từ lâu và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Á và Trung Quốc”, ông Coats nói.’

Mẻ tình báo lớn với Nga

CNN dẫn lời một nhà phân tích nói, cuộc tuần tra cũng có thể mang lại cho Nga các thông tin tình báo giá trị.

Máy bay A-50 của Nga vốn bay vào không phận tranh chấp được trang bị hàng loạt radar và thiết bị theo dõi, vốn có thể thu thập thông tin chi tiết về cách thức Hàn Quốc có thể triển khai và liên lạc với các lực lượng trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện.

“Máy bay Nga sẽ tiếp tục thu thập các tín hiệu tình báo điện tử từ các liên lạc vô tuyến, các radar trên máy báy bay đánh chặn, các radar giám sát không gian đặt trên mặt đất và mạng lưới kiểm soát và điều hành”, Peter Layton, một cựu quan chức Không quân Hoàng gia Úc và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện châu Á Griffith, nhận định.

“Sứ mệnh sẽ cho phép Nga có một bức tranh toàn diện về hệ thống phòng thủ quốc gia của Hàn Quốc”, ông Layton nói thêm.

CNN cũng nhận định, quần đảo trên có thể chỉ là cái cớ để Moscow cần nhằm tiếp tục chia rẽ mối quan hệ an ninh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, và đánh lạc hướng Washington khỏi các khu vực của thế giới hiện đang nằm trong ưu tiên cao hơn trong chương trình nghị sự của Nga.

Căng thẳng ở biển Hoa Đông cũng diễn ra giữa lúc Hàn Quốc và Nhật Bản vướng vào một loạt mâu thuẫn, trong đó có vụ tranh cãi thương mại về các vật liệu chế tạo chip nhớ dùng cho điện thoại di động, và các vấn đề lịch sử thời chiến.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã không giải quyết được tranh chấp Dokdo-Takeshima qua bất kỳ diễn đàn pháp lý quốc tế nào, nền tảng mà Washington gọi là “trận tự dựa trên các quy định” vốn quy định cách thức tiếp cận của Mỹ đối với các xung đột, như ở Biển Đông.

Nếu họ không thể giải quyết chính các tranh chấp của mình thì làm thế nào họ có thể giúp Washington thúc đẩy “trật tự dựa trên luật pháp” ở những nơi khác? Và các nhà phân tích cho rằng đây là một điểm yếu mà Nga có thể khai thác.

“Sự can thiệp của Nga có thể nhằm ngăn cản các đồng minh châu Á của Mỹ hợp tác chặt chẽ với Washington tại các khu vực khác trên thế giới vốn có thể ảnh hưởng tới các lợi ích của Nga”, Timothy Heath, một nhà phân tích từ tổ chức nghiên cứu Rand Corp. tại Washington, đánh giá.

Một ví dụ là Triều Tiên, nước đã phóng 2 tên lửa về phía biển Nhật Bản hôm 25/7. Theo giới chức Hàn Quốc, tên lửa đầu tiên đã bay xa 430km, trong khi tên lửa thứ 2 bay xa 690km. Vụ phóng tên lửa diễn ra khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - người có quan điểm cứng rắn về Triều Tiên - có chuyến thăm Hàn Quốc để thảo luận về các vấn đề chiến lược song phương.

“Ông Bolton dự kiến chủ yếu chỉ bàn về việc đưa các đồng minh châu Á và các nỗ lực nhằm giám sát và gây sức ép với Iran, điều mà Nga phản đối”, ông Timothy Heath nói.

Tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm phức tạp các cuộc thảo luận như vậy và buộc Mỹ phải dành nhiều thời gian hơn để làm trung gian hòa giải giữa hai đồng minh và chuẩn bị các biện pháp đối với với vụ việc, ông Heath nói thêm.

An Bình

Tổng hợp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập399
  • Máy chủ tìm kiếm109
  • Khách viếng thăm290
  • Hôm nay138,924
  • Tháng hiện tại3,327,011
  • Tổng lượt truy cập155,362,615
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây