Thử thách ngoại giao và "những vùng bão tố" của Tổng thống Trump

Thứ năm - 09/02/2017 01:03
Trong hai tuần sau khi chính thức bước vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thế giới sửng sốt và lo sợ bởi những chính sách ngoại giao của mình.

Ngoài việc ký quyết định xóa bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay tỏ ra cứng rắn với Iran như muốn xóa bỏ tiếp thành quả đàm phán của chính quyền tiền nhiệm, lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của chính quyền Trump đang tạo ra những đợt “sóng thần” dư luận trong và ngoài nước.

Với châu Á, chuyến thăm đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới khu vực này cũng tạo bất ngờ...

Ngày 23-1, tức hai ngày sau khi nhậm chức, thực hiện đúng cam kết trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi TPP.

Hiệp định TPP được kỳ vọng là chương trình hợp tác thương mại lớn nhất thế giới trong 20 năm qua, bao gồm các quốc gia lớn như Mỹ, Australia, Canada, Mexico, Nhật... Việt Nam cũng là một thành viên của thỏa thuận TPP. Trước đây, người tiền nhiệm Barack Obama kì vọng TPP sẽ mở ra một thị trường hàng hóa rộng lớn cho các sản phẩm Mỹ và giúp tạo ra thế cân bằng hơn với hàng hóa Trung Quốc.

Thử thách ngoại giao và
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định TPP.

Bên cạnh TPP, tân Tổng thống Trump đang nhắm tới Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm xóa bỏ hàng rào thương mại giữa Mỹ, Canada, Mexico từ thời Clinton. “Chúng tôi sẽ thảo luận lại NAFTA, các vấn đề nhập cư và biên giới”, ông Trump tuyên bố trước các quan chức cấp cao. Dự kiến, cuối tháng này ông Trump sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mexico, trong khi cuộc gặp với Tổng thống Canada cũng đang được lên kế hoạch.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain công khai cho rằng rút khỏi TPP là quyết định sai lầm nghiêm trọng của Mỹ, sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ cũng như vị thế chiến lược của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông John McCain, quyết định rút khỏi TPP sẽ tước đi những cơ hội: thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, xóa bỏ các rào cản thương mại, mở ra các thị trường mới cũng như bảo vệ các phát minh và sáng tạo của người Mỹ.

Trước đó, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu Eurasia Group cho rằng, rút khỏi TPP là cách Mỹ khiến vị thế của mình trong mắt các quốc gia châu Á giảm sút. Ông Ian cho rằng, nhiều quốc gia châu Á đã tập trung rất nhiều cho TPP và khi Mỹ rút khỏi TPP, những nước này có cảm giác họ sẽ không trông chờ nhiều vào Mỹ nữa.

Quyết định của ông Trump cũng gây lo lắng không kém cho các thành viên còn lại của TPP. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 24-1 cho biết, ông đã có những cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về một tương lai TPP không có Mỹ.

Thử thách ngoại giao và
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada (phải) trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Mỹ James Mattis, ngày 4-2-2017, tại Tokyo.

Phát biểu trên Đài Phát thanh New Zealand, Thủ tướng Bill English ngày 23-1 cho biết việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP sẽ không ngăn cản 11 nước còn lại cân nhắc một phiên bản sửa đổi của hiệp định này. Ông cho rằng chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền mới ở Mỹ "không có lợi cho chúng ta và cũng sẽ không có lợi cho Mỹ về lâu dài".

Theo ông English, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Australia trước đó đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ việc thúc đẩy một phiên bản mới cho TPP mà không có Mỹ. Song ông cũng khẳng định "TPP chưa chết" và cho rằng "kế hoạch B có thể sẽ rất khó khăn". Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc tham gia nếu TPP bị bác bỏ và cần phải thay thế bằng một thỏa thuận nào khác, ông English khẳng định "có thể".

Trên phương diện ngoại giao, điều ngạc nhiên hơn hết là Washington cũng lên giọng với Moskva. Trong khi Donald Trump, từ lúc vận động tranh cử đã chủ trương thắt chặt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì tân Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley “lên án hành động gây hấn của Nga tại Ukraine”. Tại Hội đồng Bảo an, nữ Đại sứ Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt “sẽ được duy trì cho đến khi nào Nga trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine”.

Nhà Trắng cũng tỏ thái độ lạnh nhạt với Israel trong hồ sơ lập khu định cư người Do Thái trên lãnh thổ lấn chiếm của Palestine. Cho dù Donald Trump nhiều lần ca ngợi mối quan hệ với đồng minh truyền thống tại Trung Đông kể cả ý định dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thẩm định việc “xây thêm khu định cư không giúp giải quyết xung đột Israel-Palestine”.

Donald Trump cũng làm cho đồng minh quân sự Australia ở Thái Bình Dương choáng váng. Trong cuộc điện đàm bị cắt giữa chừng tuần trước, Tổng thống Mỹ cho rằng ông sẽ xét lại thỏa thuận “ngu ngốc” giữa Washington và Canberra về việc Mỹ nhận di dân bất hợp pháp bị cô lập trong các trại tạm cư ngoài nước Australia.

Kế đến, ngày 1-2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đưa ra cảnh báo đầu tiên với Iran và cho rằng Iran đang có “hành vi gây bất ổn tại Trung Đông”. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Flynn phát đi tín hiệu về lập trường kiên quyết hơn của Mỹ đối với Iran khi lên án vụ thử tên lửa mới đây của nước này, đồng thời tuyên bố "chính thức đưa Iran vào diện phải để ý".

Với lời cảnh báo này, quan hệ giữa Mỹ và Iran đang trải qua cú sốc đầu tiên kể từ sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Việc chính quyền mới của Mỹ cảnh báo Iran không gây bất ngờ bởi các chính phủ tiền nhiệm của Mỹ vẫn làm như vậy, song điều khiến giới phân tích bất ngờ hơn chính là thời điểm đưa ra cảnh báo chỉ vài giờ trước khi cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia Exxon Mobil ông Rex Tillerson tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bất ngờ leo thang sau khi ông Trump chính thức tiếp nhận cương vị Tổng thống Mỹ từ người tiền nhiệm Barack Obama ngày 20-1-2017. Phát biểu ngày 31-1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã kêu gọi Mỹ không nên “tìm cớ” để tạo ra những căng thẳng mới giữa hai nước. Trên thực tế, vụ phóng thử tên lửa mới đây của Iran chỉ là giọt nước tràn ly thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng giữa hai nước.

Trước đó, Chính phủ Iran đã quyết định có biện pháp đáp trả sau sắc lệnh hành chính của tân Tổng thống Mỹ cấm công dân 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi, trong đó có Iran nhập cảnh Mỹ trong 3 tháng.

Nội trong tuần lễ đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã bước vào “vùng bão tố”, làm dấy lên “phẫn nộ” và “lo âu” trong công luận trong nước và quốc tế. Sắc lệnh đóng cửa nước Mỹ với công dân của 7 nước đa số theo đạo Hồi của ông Trump mà ông cho là nhằm bảo vệ người Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố, khơi lại tinh thần bài Mỹ ở Trung Đông. Với làn sóng phản kháng lan rộng cả trên lãnh thổ Mỹ và khắp nơi trên toàn cầu, báo Le Monde ghi nhận: “Donald Trump khiêu khích thế giới”.

Thử thách ngoại giao và
Biểu tình chống sắc lệnh về nhập cư của Donald Trump, ngày 29-1-2017 tại Washington DC.

Ngoài những phản ứng ở nước ngoài, những cuộc biểu tình ở khắp nơi trên toàn quốc trong những ngày vừa qua cho thấy Hoa Kỳ đang bị chia rẽ sâu rộng giữa một bên là những người Mỹ kỳ thị đang sống trong nỗi sợ hãi, sẵn sàng quay lưng lại với những giá trị nền tảng từng làm nên lịch sử của một đất nước “hợp chủng”. Bên kia là nước Mỹ giàu lòng nhân ái, vị tha sẵn sàng để cho mọi người cùng có cơ hội đổi đời.

Từ nhiều năm qua, hai bộ mặt đó của cùng một nước Mỹ chung sống với nhau trên một mảnh đất nhưng họ không còn liên lạc với nhau nữa, hai phần ấy của nước Mỹ không còn biết đến nhau. Để đến nỗi, như kết luận của Le Monde: chưa khi nào hố sâu chia cách hai phần của một nước Mỹ lại rõ nét như từ sau sắc lệnh của Tổng thống Trump hôm 27-1-2017 và cũng chưa bao giờ khả năng hàn gắn hai thành phần đó lại mong manh như lúc này.

Bên trong nước Mỹ, sắc lệnh của ông Trump đang đối mặt với một cuộc chiến pháp lý. Ngày 4-2, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, do Tổng thống George W Bush bổ nhiệm, ra phán quyết đình hoãn sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Ngày hôm sau, đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp nộp vào chiều hôm trước, chống lại một phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ. Tòa phúc thẩm liên bang San Francisco đòi hai bên xung khắc phải cung cấp thêm bằng chứng và lập luận.

Trong khi chờ đợi tòa phúc thẩm San Francisco ra phán quyết sau cùng với khả năng dây dưa, kẻ thua kéo người thắng lên tận Tòa án Tối cao, Bộ Ngoại giao Mỹ mà trong nội bộ cũng chống lại Donald Trump, đã nhanh chóng xếp sắc lệnh nhập cư qua một bên. Hệ quả là khoảng 60.000 visa nhập cảnh bị đình chỉ đã được tái lập giá trị. Giới luật sư thúc giục thân chủ khẩn cấp lên máy bay còn các hãng hàng không quốc tế đón nhận lại hành khách từ 7 quốc gia trong danh sách đen trong các chuyến bay sang xứ “Nữ thần tự do” sau vài ngày gián đoạn.

Theo giới quan sát, đây là hành động làm trái ý tổng thống của Bộ Ngoại giao. Trước đó, sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump bị khoảng 1.000 nhân viên trong Bộ Ngoại giao ký kiến nghị phản đối. Báo chí Pháp cho rằng đang có một sự nổi loạn bên trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một viên chức ngoại giao cao cấp của Mỹ tiết lộ với AFP rằng Bộ Ngoại giao Mỹ với mạng lưới nhân sự hùng hậu nhất thế giới, 70.000 người, đang bên bờ nổi loạn. Một “nhóm ly khai” đang kiểm soát Bộ Ngoại giao qua một “kênh liên lạc nội bộ”. Bên trong đảng Cộng hòa, ông Trump cũng đang đối mặt với nhiều ý kiến phản đối mà nổi trội là Thượng nghị sĩ Jonh McCain.

Còn tại Bắc Á, trong chuyến công du trấn an hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố sẵn sàng “vùi dập” Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng dùng hạt nhân tấn công một trong các đồng minh của Mỹ. Chủ nhân Lầu Năm Góc là bộ trưởng đầu tiên của chính quyền Trump thăm nước ngoài và với chủ đề an ninh quốc phòng.

Nhưng một ngày sau khi đón tiếp đồng nhiệm Mỹ James Mattis tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tomomi Inada, tuyên bố với báo chí là hải quân Nhật sẽ không tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ tại vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Reuters, tuyên bố trên đây của bà Inada là nhằm làm sáng tỏ lập trường của Tokyo, sau những cam kết với tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và được phía Mỹ bảo đảm hết lòng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkeku/Điếu Ngư do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông. Một ngày trước, trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Inada tuyên bố, các hoạt động của hải quân và các hành động khác của quân đội Mỹ ở Biển Đông góp phần bảo vệ tự do hàng hải theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tóm lại, với những va chạm ngoại giao đầu tiên của tân chính quyền Mỹ, giới phân tích không rõ là tổng thống doanh nhân toan tính gì? Phải chăng ông Trump sử dụng chiến thuật đấu trí mà người Mỹ gọi là “ván bài lừa dối” mà cứu cánh duy nhất cần đạt được là phục vụ quyền lợi nước Mỹ trước đã, đồng minh lịch sử hay kẻ thù truyền thống không đáng kể.

Theo M.T (tổng hợp)

An ninh thế giới

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập370
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm337
  • Hôm nay93,594
  • Tháng hiện tại3,170,341
  • Tổng lượt truy cập155,205,945
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây