HOICHOTHUONGMAI

Thời cơ bùng nổ của ASEAN

Chủ nhật - 11/12/2016 20:04
Giữa một năm 2016 đầy biến động về chính trị và thị trường toàn cầu, các nước ASEAN bỗng chốc “vững như bàn thạch”, từ đó tạo niềm tin đầu tư mạnh mẽ cho các đối tác.
ASEAN đang là điểm đến của nhà đầu tư và còn phát triển mạnh trong thời gian tới - Ảnh: Reuters
ASEAN đang là điểm đến của nhà đầu tư và còn phát triển mạnh trong thời gian tới - Ảnh: Reuters

Ngày 8-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016. Ông kêu gọi các quốc gia trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) áp dụng những biện pháp thúc đẩy đầu tư và thương mại xuyên biên giới, đồng thời cảnh báo chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ tái lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng giữa hàng loạt khó khăn liên quan tới an ninh, kinh tế, lương thực, biến đổi khí hậu..., các quốc gia ASEAN tìm thấy cơ hội phát triển to lớn để giữ vai trò trọng tâm ở châu Á.

Mở hơn cả EU và Mỹ

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh thời cơ và sự cấp thiết trong việc cải cách, tận dụng lợi thế của ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới biến động.

Trong Báo cáo môi trường thương mại toàn cầu 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khẳng định thị trường ASEAN hiện dễ tiếp cận hơn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Báo cáo này là sự tổng kết từ quá trình thẩm định khả năng tiếp cận thị trường của 136 nền kinh tế về thị trường nội địa và nước ngoài.

WEF ca ngợi sự “tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu” của 10 nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. “Tiến bộ của ASEAN như một thế lực kinh tế diễn ra trong thời điểm Mỹ và EU đang trở nên khép kín hơn” - AFP ngày 1-12 dẫn một phát hiện then chốt trong báo cáo của WEF.

Trong bối cảnh các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập và ý thức chống chủ nghĩa bảo hộ, cả EU lẫn Mỹ đều đối diện những khó khăn về chính trị, kinh tế. Việc nước Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) đã khiến thị trường EU càng suy yếu, nhất là khi họ cũng thực hiện cấm vận đối với Nga - một trong những thị trường quan trọng của EU.

Mối lo về sự chia rẽ của EU đặc biệt thể hiện trong sự kiện Thủ tướng Ý Matteo Renzi từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp ở nước này. Theo ghi nhận ngày 5-12, đồng euro đã xuống giá mạnh nhất trong 20 tháng so với 
đồng USD.

Đối với nước Mỹ, những thay đổi lớn còn đang chờ đợi từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Ông Trump, người sẽ nắm quyền từ tháng 1-2017, đã tuyên bố không ủng hộ các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là thị trường khổng lồ của thế giới nhưng lại trải qua giai đoạn tăng trưởng trì trệ hơn so với chính họ của thập niên trước. Sự bão hòa của thị trường đông dân nhất thế giới này, cộng thêm kế hoạch “Made in China 2025”, khiến cơ hội đầu tư của các công ty nước ngoài ít đi, điển hình là ngành xe hơi, khi Trung Quốc quyết tâm nội địa hóa sản xuất.

Tận dụng mọi lợi thế

Mang tiềm năng lớn về thị trường, các nước ASEAN cũng đã tranh thủ tận dụng lợi thế để mở rộng danh sách đối tác của mình cũng như nắm bắt các thời cơ khác nhau từ những hiệp định thương mại tự do. Tại Đông Nam Á, các nước như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore là những nền kinh tế muốn tham gia TPP.

Trước nguy cơ các cuộc đàm phán này sụp đổ do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phản đối, một số giải pháp thay thế đã được cân nhắc. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy đang được cho là lời giải của các nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Các nước ASEAN cũng thể hiện tham vọng khai thác thị trường châu Phi, thông qua Hội chợ triển lãm kinh doanh châu Phi - ASEAN (AABE), vốn sẽ khai mạc tại Nam Phi năm 2017. Hội chợ này nhằm mục đích giới thiệu các doanh nghiệp châu Phi đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tạo một cầu nối hợp tác thương mại - đầu tư hai bên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. AABE 2017 dự kiến ra mắt tháng 11-2017 tại Johannesburg (Nam Phi), sau đó Singapore sẽ tổ chức hội chợ này năm 2018.

Phía châu Phi đánh giá ASEAN, với quy mô kinh tế gần 3.000 tỉ USD, là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất châu Á. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp từ ASEAN hoạt động ở châu Phi, trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, dầu mỏ và phát triển đô thị, theo Biz Community.

3 thị trường hàng đầu của Ford

Trong một báo cáo ngày 6-12 do Bangkok Post đăng tải, Hãng xe Ford khẳng định rất kỳ vọng vào sự gia tăng doanh số bán hàng ở thị trường ASEAN. Hãng xe Mỹ đặc biệt chú ý tới ba thị trường là Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Ford đã bán tổng cộng 103.975 xe năm 2015, tăng 3,3% so với năm 2014. Thái Lan là thị trường lớn nhất khu vực với doanh số 36.465 xe, Philippines xếp sau với 25.372 chiếc, kế đến là Việt Nam với 20.740 xe (tăng tới 48% so với năm 2015).

Tự tìm đối tác song phương

Báo Phil Star (Philippines) ngày 8-12 nhấn mạnh một hướng đi khác của ASEAN trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN vào năm 2017 là tự tìm những đối tác song phương. Trong đó, Úc là thị trường tiềm năng và đáng chú ý, vì đây là nước láng giềng, có nhiều điểm chung và quan hệ tốt với ASEAN. Đối với Úc, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc, và Úc chiếm 14% thị phần thương mại ASEAN.

Nguồn tin: http://tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập379
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm318
  • Hôm nay64,820
  • Tháng hiện tại4,029,720
  • Tổng lượt truy cập151,750,196
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây