“Tay trắng” về nước, ông Trump vẫn được ủng hộ sau thượng đỉnh với Triều Tiên

Thứ sáu - 01/03/2019 06:14
(Dân trí) - Một số quan chức Mỹ, các trợ lý tại quốc hội, các nhà phân tích và cả những người theo dõi vấn đề Triều Tiên đã thở phào khi Tổng thống Donald Trump về nước mà không đạt được thỏa thuận nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. >> >> >>
Tóm tắt thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội trong 3 phút

 

“Tay trắng” về nước, ông Trump vẫn được ủng hộ sau thượng đỉnh với Triều Tiên

Tổng thống Trump chào tạm biệt để về nước sau khi kết thúc cuộc họp báo chiều ngày 28/2 ở Hà Nội (Ảnh: Reuters)

Việc Tổng thống Donald Trump không đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đã khiến nhiều nghị sĩ và chuyên gia an ninh Mỹ thở phào nhẹ nhõm, mặc dù vẫn có một số người tỏ ra lo ngại về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 diễn ra, nhiều ý kiến đồn đoán Mỹ sẵn sàng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, nới lỏng trừng phạt, mở các văn phòng đại diện, tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao nếu Bình Nhưỡng hạn chế chương trình hạt nhân.

Giới an ninh quốc gia Mỹ từng lo sợ rằng Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ Triều Tiên quá nhiều, trong khi nhận lại quá ít. Do vậy, việc ông chủ Nhà Trắng về nước “tay trắng” khiến nhiều người cảm thấy hài lòng.

“Không thể phủ nhận rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là một sự thất bại. Chúng ta hoàn toàn không đạt được tiến triển. Tuy nhiên tôi nghĩ việc tổng thống không chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ đã là một điều tốt rồi”, Victor Cha, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền George W. Bush, cho biết.

Ông Cha và nhiều người khác nói rằng họ cảm thấy quan ngại sâu sắc về việc Tổng thống Trump, người đang khao khát thành công về chính sách đối ngoại trong bối cảnh phải đối mặt với những rối ren trong nước, có thể chấp nhận những biện pháp nửa vời hoặc những lời hứa hẹn không đi đến đâu từ phía Triều Tiên.

Theo Michael Green, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, từng có những ý kiến lo ngại rằng “Tổng thống Trump sẽ đi theo chiều hướng nguy hiểm” và đưa ra một quyết định vội vàng trong các cuộc đàm phán căng thẳng với Triều Tiên.

Chuyên gia Green cho biết ông cảm thấy “an tâm” khi Tổng thống Trump quyết định không ký thỏa thuận với Triều Tiên, mặc dù ông ghi nhận những nỗ lực của Ngoại trưởng Mike Pompeo và các cố vấn Nhà Trắng khác trong việc thuyết phục tổng thống bước ra khỏi bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Sự ủng hộ từ giới nghị sĩ

“Tay trắng” về nước, ông Trump vẫn được ủng hộ sau thượng đỉnh với Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 2

Phái đoàn Mỹ họp mở rộng với Triều Tiên tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)

 

Các nghị sĩ ở cả hai đảng của Mỹ đều dành lời khen cho quyết định không ký thỏa thuận của Tổng thống Trump.

“Tổng thống được khen ngợi vì đã bước đi khi rõ ràng chưa đạt được sự tiến triển đầy đủ về vấn đề phi hạt nhân hóa”, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mỹ Mitch McConnell phát biểu tại thượng viện hôm qua.

“Ông Kim Jong-un sẽ có chuyến tàu dài ngày để về nhà và ông ấy sẽ có thời gian để suy ngẫm về tương lai trong tầm tay của Triều Tiên. Tuy nhiên, tổng thống đã khẳng định một tương lai như vậy phải đi kèm với việc phi hạt nhân hóa”, nghị sĩ McConnell nói.

Nghị sĩ Eliot Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nhận định Triều Tiên rõ ràng chưa sẵn sàng để có những bước đi thiết thực trong việc phi hạt nhân hóa và Nhà Trắng đã quá vội vàng khi tổ chức thượng đỉnh với Bình Nhưỡng.

“Mối lo ngại chính của tôi về cuộc gặp lần này là chính quyền Trump sẽ nới lỏng trừng phạt để đổi lấy một cam kết không thỏa đáng và hời hợt từ phía Triều Tiên. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi không có bất kỳ tuyên bố quan trọng nào được đưa ra về việc nới lỏng trừng phạt, đặc biệt xét trong bối cảnh Triều Tiên không có cam kết lớn nào về chương trình hạt nhân của nước này”, nghị sĩ Engel nói thêm.

Nhiều nghị sĩ khác cũng đồng quan điểm cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump khi cắt ngắn cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong bối cảnh hai bên không đạt được thỏa thuận hạt nhân nào ổn thỏa là một quyết định sáng suốt.

“Không đạt được thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi”, nghị sĩ Dân chủ bang Tây Virginia Joe Manchin nói với các phóng viên hôm qua.

“Một phần của nghệ thuật đàm phán là biết khi nào cần rời đi. Tôi vui vì ông ấy đã làm theo đúng điều đó và còn nói: “Mặc dù tôi muốn một thỏa thuận, nhưng đây chưa phải lúc thích hợp””, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds phát biểu tại tòa nhà quốc hội Mỹ.

Theo Thượng nghị sĩ Rounds, “bất kể khi nào chúng ta đối thoại, thay vì xung đột với người khác, đó đã là cơ hội để khiến mọi chuyện tốt lên rồi”.

“Như Tổng thống Ronald Reagan từng nói, “tin tưởng nhưng vẫn phải xác thực”. Và tôi rất hài lòng khi thấy tổng thống (Trump) đang đi đúng con đường đó”, Thượng nghị sĩ Rounds nhận xét.

Giới nghị sĩ Cộng hòa dành nhiều lời khen cho nỗ lực của Tổng thống Trump.

“Tổng thống nên được khen ngợi vì cam kết của ông trong việc thuyết phục ông Kim Jong-un theo đuổi một con đường khác. Thật thông minh khi đưa ông Kim Jong-un tới Singapore và tới Việt Nam để cho phái đoàn Triều Tiên thấy sự thịnh vượng về kinh tế nếu họ lựa chọn một con đường mới”, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Robert Manning tại Hội đồng Đại Tây Dương, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai có thể sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nếu các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên thống nhất được khung sườn một thỏa thuận trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Thành Đạt

Theo Reuters, USA Today

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập484
  • Máy chủ tìm kiếm97
  • Khách viếng thăm387
  • Hôm nay61,777
  • Tháng hiện tại3,248,701
  • Tổng lượt truy cập155,284,305
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây