Quan hệ Triều Tiên - Malaysia trước khi xảy ra nghi án Kim Jong-nam

Thứ ba - 07/03/2017 20:16
Malaysia và Triều Tiên được cho là có quan hệ nồng ấm đặc biệt nhưng một số chuyên gia cho rằng họ không hẳn là bạn thân.
 

 Cảnh sát Malaysia phong tỏa sứ quán Triều Tiên

Sau vụ sát hại công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol - người Malaysia tin là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, quan hệ hai nước đã lâm vào căng thẳng trầm trọng. Bình Nhưỡng cấm công dân Malaysia rời khỏi nước mình và trục xuất đại sứ Malaysia khỏi Triều Tiên. Kuala Lumpur cũng có hành động tương tự để trả đũa.

Truyền thông quốc tế đã dành nhiều sự chú ý đến mối quan hệ nồng ấm của hai nước trước khi vụ sát hại xảy ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ này dường như bị cường điệu hóa và nên được đánh giá kỹ hơn.

Thoạt nhìn, mối quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên dường như khá đặc biệt. Malaysia có đại sứ quán tại Triều Tiên và người dân hai nước có thể nhập cảnh nước bạn mà không cần thị thực. Ngoài ra, một trường đại học tư thục của Malaysia còn trao tặng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng tiến sĩ danh dự. Malaysia còn là địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên nhập khẩu dầu, cao su thiên nhiên và dầu cọ từ Malaysia, trong khi đó, Malaysia nhập khẩu sắt thép từ Triều Tiên. Năm 2017, có 300 người Triều Tiên làm việc trong ngành khai thác than ở bang Sarawak của Malaysia, theo The Sun.

Triều Tiên đã tìm cách thu hút khách du lịch Malaysia. Năm 2011, Triều Tiên đã mở một đường bay thẳng đến Malaysia để đón thêm nhiều du khách từ nước này.

Đại sứ Triều Tiên rời Malaysia

 

Tuy nhiên, Prashanth Parameswaran, cây bút chuyên về châu Á của The Diplomat cho rằng mối quan hệ này không thật sự đặc biệt đến như vậy khi đặt trong bối cảnh rộng hơn về chính sách đối ngoại.

Parameswaran cho rằng một phần của sự cường điệu xung quanh mối quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên là do quan điểm nhầm lẫn rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn khép kín với thế giới bên ngoài, trong khi trên thực tế hàng chục quốc gia có quan hệ ngoại giao với họ.

Sứ quán Malaysia chỉ là một trong khoảng hơn 20 sứ quán nước ngoài ở Bình Nhưỡng, trong khi Malaysia là một trong khoảng 50 quốc gia có sứ quán của Triều Tiên.

Trong mắt Bình Nhưỡng, nguồn gốc mối quan hệ giữa Triều Tiên và Malaysia trong những năm 1970 bắt nguồn từ một chiến dịch của Triều Tiên để phát triển mạng lưới quan hệ với các nước đang phát triển, nhằm tăng cường vị thế ngoại giao trong đối trọng với Seoul, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế.

Còn đối với Malaysia, sau khi độc lập năm 1967, Malaysia đã áp dụng hướng tiếp cận đối ngoại là một nước không liên kết (không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc nào) và việc xây dựng quan hệ với Triều Tiên xuất phát từ cách tiếp cận này.

Parameswaran cho rằng mối quan hệ của Malaysia với Triều Tiên không nồng ấm như nhiều người nghĩ. Malaysia đối mặt thách thức là làm thế nào để cân bằng giữa việc duy trì mối quan hệ với Bình Nhưỡng trong khi xúc tiến các mối quan hệ song phương, khu vực và quốc tế khác như với Hàn Quốc, các quốc gia Đông Bắc Á, ASEAN và các nước phương Tây.

Một mặt, Malaysia nỗ lực mở rộng mối quan hệ với Triều Tiên trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá và giáo dục. Malaysia khuyến khích nhiều công ty của Triều Tiên tham gia vào mối quan hệ song phương và hai bên thậm chí còn ký một bản ghi nhớ về giao lưu văn hoá hồi đầu tháng hai, tập trung vào các lĩnh vực như bảo tàng, lưu trữ, thư viện, nghệ thuật và di sản.

Nhưng mặt khác, Malaysia đã lên án các vụ thử tên lửa Triều Tiên, ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng và ủng hộ các sáng kiến ​​của Mỹ nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vào tháng một, Malaysia đã ngừng cho phép hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo khai thác đường bay, để phù hợp với lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Shahriman Lockman, chuyên gia viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Malaysia, cho rằng quan hệ thương mại giữa hai bên nghiêng hẳn về hướng tốt cho Triều Tiên và Malaysia đã thờ ơ trước thực tế này, khiến Bình Nhưỡng được hưởng lợi, theo VOA.

Để nhấn mạnh rằng Triều Tiên có ít ảnh hưởng đến kinh tế Malaysia, Lockman cho biết các công ty đa quốc gia như Samsung quan trọng đối với Malaysia hơn so với toàn bộ Triều Tiên. "Đây là mối quan hệ mà Triều Tiên đã ngồi ghế lái trong một thời gian rất dài", ông nói.

"Trước khi vụ việc làm rung chuyển quan hệ Malaysia - Triều Tiên xảy ra thì mối quan hệ này cũng chưa bao giờ đặc biệt hay nồng ấm như nhiều người tưởng", Parameswaran viết.

Phương Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập494
  • Máy chủ tìm kiếm106
  • Khách viếng thăm388
  • Hôm nay125,704
  • Tháng hiện tại3,312,628
  • Tổng lượt truy cập155,348,232
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây