Nước Mỹ vẫn không thể bỏ qua châu Á

Thứ hai - 12/06/2017 16:20
Trái ngược với những dự báo về chính sách của Mỹ với châu Á Thái Bình Dương, Washington vẫn sẽ can dự tại khu vực có vị trí chiến lược này.

Các quan ngại được nhắc tới trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cả những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Đó là tân Tổng thống Mỹ sẽ triệt để cắt giảm sự can dự tại châu Á Thái Bình Dương.

Thay vì gia tăng các cam kết an ninh với đồng minh và đối tác của Mỹ, chính quyền mới ở Nhà Trắng được tin rằng sẽ tập trung vào trừng phạt các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, đi kèm với việc xa lánh các diễn đàn đa phương.

Nước Mỹ vẫn không thể bỏ qua châu Á
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Kết cục của sự thay đổi chính sách này là ảnh hưởng và vai trò của Mỹ sẽ lụi tàn tại đây, còn các nước trong khu vực sẽ phải tự điều chỉnh các mối quan hệ theo hướng gần gũi hơn với Trung Quốc.

Nhưng những nhận định này đã được chứng minh là không đúng, với cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa qua.

Không “quên” châu Á Thái Bình Dương

Chính quyền của Tổng thống Trump không hề đảo ngược đường hướng chính sách đối với khu vực này. Thậm chí, chính quyền hiện tại còn mạnh mẽ hơn chính quyền Obama trên biển Đông. Alexander L. Vuving, giáo sư của Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương Daniel K. Inouye về nghiên cứu an ninh nhận định trong một bài viết mới đây.

Thông điệp này phát đi từ bản Tuyên bố chung về thúc đẩy Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Văn bản này nhắc lại rằng Mỹ là “một cường quốc Thái Bình Dương với những lợi ích và cam kết rộng rãi khắp khu vực này”.

Tuyên bố chung cũng bảo lưu tất cả các thành tố của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, vốn được thiết lập dưới thời chính quyền tiền nhiệm Obama. Nó còn đi xa hơn, với việc khẳng định Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết làm mối quan hệ này “sâu sắc hơn, thực chất hơn và hiệu quả hơn”.

Và lần đầu tiên, cả Việt Nam và Mỹ nhấn mạnh ở mức độ cao nhất “cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh và tình báo”. Theo giáo sư Vuving, hợp tác quốc phòng và giải quyết những vấn đề tại biển Đông cũng là một phần đặc biệt quan trọng trong bản Tuyên bố chung này. Các cam kết của chính quyền Trump với các diễn đàn khu vực như với APEC hay ASEAN vẫn được duy trì, căn cứ vào những gì đã được công bố với công chúng.

Tới lúc này, thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của Mỹ với châu Á Thái Bình Dương vẫn chỉ là việc Washington duy trì quan điểm rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng vẫn chưa thấy có, hoặc khó có khả năng xảy ra việc Mỹ thực thi các biện pháp bảo hộ mậu dịch lớn.

Nước Mỹ đã không chọn cách áp đặt thuế nhập khẩu nặng với những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Thay vào đó là việc ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết chuyện mất cân bằng cán cân thương mại. Ví dụ như Nhật Bản, quốc gia đứng thứ hai về thâm hụt thương mại với Mỹ lần đầu tiên đã có cuộc đối thoại về vấn đề này. Trung Quốc cũng đã làm vậy.

Lợi ích chiến lược không phải bàn cãi

Theo nhà nghiên cứu Ashley Townsend của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney Australia, có ba nhân tố quyết định cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thứ nhất, tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong một loạt các vấn đề song phương. Và Mỹ cần xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược cần phải được ngăn chặn.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ với các đồng minh và đối tác nhưng trên cơ sở có đi có lại. Mỹ sẽ vẫn tán thành các cam kết đảm bảo an ninh với điều kiện “chia sẻ trách nhiệm”. Thậm chí là bao gồm cả việc tạo ra việc làm mới cho người Mỹ.

Thứ ba, chính quyền Trump sẽ thúc đẩy các yếu tố quân sự, quốc phòng trong chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của cựu Tổng thống Barack Obama. Chính sách này còn được gọi là “Quân sự trên hết” nhấn mạnh tới sự hiện diện, liên minh trọng yếu, ngăn chặn và sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.

Chính vì thế, Tổng thống Trump đã đề xuất tăng ngân sách quốc phòng vào năm 2018 lên 54 tỷ USD, đồng thời thiết lập “sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, và cả các yết hầu”, bao gồm cả biển Đông. Chuyên gia Ashley Townsend cho rằng động thái này sẽ bắt đầu cho một sự trở lại của quân đội Mỹ sau nhiều năm thu mình.

Tiến sĩ Patrick Cullen nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy cũng ủng hộ nhận định này. Chuyên gia này cho rằng chính sách của ông Trump sẽ thúc đẩy các thành tố quân sự và quốc phòng của Chiến lược Tái cân bằng mà chính quyền Obama từng triển khai. Và sẽ không có chuyện dỡ bỏ hoàn toàn chính sách này.

Vấn đề là các đồng minh và đối tác sẽ làm việc như thế nào với Mỹ mà thôi.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có thể là một ví dụ cho thấy các đối tác châu Á của Mỹ có thể làm gì để hướng sự quan tâm của Mỹ về phía mình. Giáo sư Vuving nhận xét. “Chuyến thăm Mỹ từ rất sớm của Thủ tướng Phúc đã củng cố một xu hướng mới trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Ngoại giao năng động đồng thời nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN.”

Trong suốt hai thập kỷ qua, Singapore và Philippines mới là những người dẫn dắt các thành viên khác trong ASEAN trong quan hệ với Mỹ. Và giờ đây là Việt Nam. Tiếp sau chuyến đi này là các chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Đà Nẵng dự hội nghị cấp cao APEC./.

Tác giả: Theo Phan Tùng/VOV1

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập577
  • Máy chủ tìm kiếm166
  • Khách viếng thăm411
  • Hôm nay138,924
  • Tháng hiện tại3,343,392
  • Tổng lượt truy cập155,378,996
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây