Nước cờ mạo hiểm của ông Duterte muốn kéo Nga thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Thứ ba - 08/10/2019 13:57
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Duterte chào mời Nga tham gia vào hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông có thể khiến nước này gặp rủi ro trong quan hệ với các "ông lớn" vốn kình nhau trong khu vực là Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. >> >>
Nước cờ mạo hiểm của ông Duterte muốn kéo Nga thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Tổng thống Duterte đặt hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh tại Moscow trong chuyến thăm Nga tuần trước (Ảnh: AP)

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thực hiện một động thái có thể mạo hiểm khi mời Nga tham gia thăm dò dầu khí ở Biển Đông, các quan chức quốc phòng và an ninh nhận định.

Theo các chuyên gia, việc ông Duterte chào mời công ty dầu Rosneft của Nga trong chuyến thăm Moscow hồi tuần trước có nguy cơ khiến đất nước ông rơi vào cuộc giằng co 3 bên giữa các đối thủ địa chính trị quyền lực nhất thế giới: Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã cố gắng tận dụng sự cân bằng trong quan hệ với đồng minh truyền thống của Manila là Mỹ và cường quốc khu vực đang nổi là Trung Quốc. Trong khi ông thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông đã hạn chế khả năng hợp tác này. Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc Manila mời gọi Nga vào khu vực có thể "chọc giận" cả Washington và Bắc Kinh.

Ông Duterte đưa ra đề nghị trên với hãng Rosneft hôm 2/10 khi ông, cùng với cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và năng lượng của Philippines gặp gỡ các lãnh đạo tập đoàn năng lượng Nga, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin. Mặc dù thông tin chi tiết về cuộc gặp không được công bố công khai nhưng phát ngôn viên của ông Duterte cho biết Tổng thống Philippines “đã mời Rosneft, hãng đi đầu trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt liên quan tới việc phát triển dầu mỏ và khí đốt”.

Ông Duterte sau đó xác nhận rằng khi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc thăm dò năng lượng ở Biển Tây Philippines (tên Manila đặt cho Biển Đông).

Các nhà phân tích cho rằng các đối thủ địa chính trị của Nga - Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - có thể theo dõi sát các động thái tiếp theo.

“Ông Duterte đang thể hiện tốt trong thế mơ hồ chiến lược vốn có thể dùng Trung Quốc làm 'mồi nhử'", Giáo sư Chester Cabalza từ Đại học Philippines nhận định. “Nếu thành công, 3 cường quốc có thể vây quanh ông nhưng với những hệ quả lớn. Đây là các cường quốc có mạng lưới tình báo tinh vi và vũ khí uy lực. Nhưng chỉ một bước đi sai làm của ông Duterte có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ chiến lược với các đối tác phi truyền thống của chúng tôi”.

“Không may, đó là một cuộc chơi nguy hiểm”, Giáo sư Cabalza nhấn mạnh.

Ông Cabalza cảnh báo rằng việc dùng các cường quốc lớn hơn để đẩy mạnh quan hệ với nước kia có thể khiến Philippines rơi vào tình huống khó xử.

"Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình là các nhà lãnh đạo tiếng tăm được rèn luyện bởi kinh nghiệm và văn hóa chiến lược mạnh mẽ. Ông Duterte có thể được xem là một nhân vật cứng rắn và một nhà lãnh đạo được yêu thích, nhưng ông Putin và ông Tập đang nắm quyền các quốc gia lớn hơn, có nền kinh tế mạnh hơn và dân số đông hơn".

"Bất kỳ mâu thuẫn nào với Trung Quốc về vấn đề này có thể ảnh hưởng về mặt ngoại giao vì Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Nga. Cả hai nước này đang phối hợp với nhau trong nhiều vẫn đề, cả từ góc độ kinh tế và địa chính trị, để đối trọng với Mỹ", ông Cabalza nói.

Mỹ có thể nổi giận

Đối với Mỹ, ông Cabalza cho rằng Mỹ đang bị phân tâm bởi cuộc bầu cử tổng thống 2020 và tập trung vào việc thiết lập các đồng minh trong khu vực để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

Sử gia quân sự Jose Custodio, một cựu cố vấn quốc phòng tại Văn phòng tổng thống, cho hay Philippines nên thận trọng với đề xuất trên. Ông cảnh báo Tổng thống Duterte rằng có khả năng bị xem là một mối đe dọa an ninh với Mỹ.

“Nếu chúng ta cho phép Nga tiếp cận, họ biết họ đang trở thành mục tiêu của các đối thủ của Nga trong khu vực - Mỹ và Nhật Bản”, ông Custodio nói. “Giới chức Philippines sẽ sẵn sàng đi xa tới đâu? Họ sẽ phải thận trọng - họ sẽ làm Mỹ nổi giận tới mức nào?”.

Ông Custodio nhấn mạnh, Nga đang gia tăng sự hiện diện tại châu Á và cảnh báo rằng Mỹ có thể nổi giận nếu Philippines cho phép Moscow tiến hành nhiều chuyến thăm cảng của các tàu chiến Nga, mua thêm các thiết bị quân sự Nga, hoặc cho phép Nga thiết lập các văn phòng du lịch trong những khu vực mà họ có thể giám sát các tàu.

Ông Custodio nói thêm, việc mua thiết bị quân sự của Nga có thể vấp phải các lệnh trừng phạt theo Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA).

Philippines, từng là thuộc địa của Mỹ trong 4 thập niên, cho tới tận gần đây vẫn chưa có quan hệ thân thiết với Nga. Nhưng kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ mức 234 triệu USD vào năm 2016 lên 1,36 tỷ USD vào năm 2017. Khoảng 10.000 người Philippines được cho là đang làm việc tại Nga, chủ yếu là làm người giúp việc và lao động gia đình.

Tổng cộng 10 thỏa thuận, chủ yếu liên quan tới kinh doanh, đầu tư, bán các sản phẩm sữa dừa và cá, đã được ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 5 ngày của Tổng thống Duterte đến Nga. Một biên bản ghi nhớ cũng được ký nhằm thăm dò khả năng hợp tác trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Philippines.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã gặp người đồng cấp Nga trong chuyến thăm của ông Duterte nhưng không thỏa thuận vũ khí nào được công bố.

Tuy nhiên, phát ngôn viên tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết các cuộc đàm phán liên quan tới việc mua một số thiết bị quân sự vẫn đang được tiến hành. Ông nói thêm rằng, bất kỳ việc mua vũ khí nào của Nga cũng tốt vì Mỹ sẽ cảm thấy có chút lo lắng về điều đó và do đó cởi mở hơn trong việc chào mời Manila các thỏa thuận công bằng.

Một nguồn tin cấp cao trong chính quyền Philippines đã giảm nhẹ các cuộc thảo luận với Rosneft, nói rằng vẫn còn quá sớm để nói cụ thể xem mọi việc sẽ tiến triển ra sao.

“Nếu có, bất kỳ sự thăm dò nào của Rosneft có thể sẽ bắt đầu ở các khu vực không tranh chấp trước tiên”, nguồn tin giấu tên nói.

An Bình

Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập496
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm413
  • Hôm nay103,267
  • Tháng hiện tại3,180,014
  • Tổng lượt truy cập155,215,618
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây