Nguy cơ xung đột quân sự sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Thứ tư - 06/09/2017 04:12
Triều Tiên ngày 3/9 đã tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch - vũ khí sát thương khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang tiến rất gần tới việc chế tạo một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Nguy cơ xung đột quân sự sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Vì sao Triều Tiên thử bom hạt nhân?

Vụ thử hạt nhân do Triều Tiên tiến hành ngày 3/9 là vụ thử mạnh nhất trong 6 vụ thử từ năm 2006 đến nay của Bình Nhưỡng. Ước tính sức nổ của quả bom nhiệt hạch trong vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên nằm trong khoảng từ 50-120 kiloton. Trong khi đó, sức nổ của quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945 và khiến 80.000 thiệt mạng là 15 kiloton.

Vũ khí hạt nhân được xem là cơ chế sinh tồn cuối cùng của Triều Tiên - quốc gia gần như bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công, Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này đầu tiên.

Trước hết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn muốn bảo đảm sự tồn vong của cả chế độ cũng như sinh mạng của người dân. Ông Kim hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khơi mào cho một cuộc chiến mà Triều Tiên có thể sẽ không giành phần thắng.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng muốn có được sự thừa nhận từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, kho vũ khí hạt nhân chính là cách để khiến cộng đồng quốc tế phải ngồi xuống và chú ý đến Triều Tiên.

Chiến tranh liệu có xảy ra?

Nguy cơ xung đột quân sự sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 2
Quân đội Triều Tiên tập trận bên bờ biển (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gần đây cảnh báo Washington sẽ đáp trả quân sự mạnh mẽ nếu có bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Triều Tiên. Trong khi đó, khi được hỏi liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên hay không, Tổng thống Donald Trump ngày 3/9 cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét”.

Hàn Quốc ngày 4/9 đã tiến hành tập trận bắn đạn thật với mục tiêu giả định là khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên. Seoul cũng cho biết Mỹ đang chuẩn bị tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực vì lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng thêm tên lửa sau vụ thử hạt nhân gần đây.

Mặc dù sức mạnh quân sự của Mỹ vượt trội hơn nhiều so với Triều Tiên, song giới phân tích cho rằng kịch bản đối đầu quân sự giữa hai nước khó có khả năng xảy ra vì điều này sẽ kéo theo số lượng thương vong rất lớn tại Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia láng giềng với Triều Tiên.

Triều Tiên có thể triển khai các đơn vị pháo kích ở biên giới với Hàn Quốc và phá hủy thủ đô Seoul, thành phố với 10 triệu dân và chỉ cách Triều Tiên 55 km. Ngoài ra, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, xung đột liên Triều sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột khu vực.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ vấp phải các rào cản từ Nga và Trung Quốc nếu có ý định tấn công quân sự Triều Tiên. Moscow và Bắc Kinh cũng đã nhiều lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/8 cũng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép chiến tranh hay hỗn loạn xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên tấn công Mỹ?

Nguy cơ xung đột quân sự sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 3
Các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đồng loạt vào cuộc nếu phát hiện Triều Tiên phóng tên lửa (Ảnh: Quora)

Hồi tháng 7, Triều Tiên tuyên bố đã sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ, đồng thời tiết lộ kế hoạch phóng 4 tên lửa tới đảo Guam của Mỹ. Hai vụ thử ICBM, một vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản cùng một vụ thử hạt nhân gần đây càng củng cố thêm lời đe dọa của Bình Nhưỡng về một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.

Nếu Triều Tiên tấn công Mỹ trước, Washington sẽ có nhiều cách để đánh chặn tên lửa Bình Nhưỡng, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trang bị trên tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (PAC-3). THAAD có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, trong khi Aegis có thể phát hiện 100 tên lửa cùng một lúc và đánh chặn các tên lửa này.

Theo các nhà phân tích, việc sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa giống như sử dụng một viên đạn để tiêu diệt một viên đạn. Nếu Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo thì hệ thống phòng thủ tên lửa ở cả 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cùng phát hiện và chia sẻ thông tin cho nhau trước khi tiến hành đánh chặn theo từng bước.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sẽ phát hiện và đánh chặn đầu tiên. Tiếp theo, nếu THAAD không thể đánh chặn thành công, hệ thống Aegis trên các tàu chiến ở khu vực biển Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát hiện và đánh chặn tên lửa Triều Tiên. Sau đó, nếu hệ thống Aegis vẫn “bất lực” trước tên lửa Bình Nhưỡng, hệ thống PAC-3 tại Nhật Bản sẽ vào cuộc và đánh chặn lần 3.

Mỹ còn lựa chọn nào khác ngoài quân sự?

Nguy cơ xung đột quân sự sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 4
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích cho rằng Mỹ hiện chỉ còn 2 lựa chọn khả thi nhất, bao gồm các lệnh trừng phạt và các cuộc đàm phán, để có thể buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi. Tuy nhiên, các biện pháp này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sử dụng suốt hơn 10 năm qua, song kết quả mang lại rất khiêm tốn.

Liên quan tới các lệnh trừng phạt, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ nhắm mục tiêu tới hai mặt hàng chính của Triều Tiên là dầu thô và sản phẩm may mặc để ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận nguồn tài chính “nuôi” chương trình vũ khí. Đây cũng là 2 mặt hàng không nằm trong nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên do Liên Hợp Quốc thông qua hồi đầu tháng 8.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán cũng không phải là biện pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề xuất phương án ngồi lại với ông Kim Jong-un và mời nhà lãnh đạo Triều Tiên ăn bánh mì kẹp nổi tiếng của Mỹ để hóa giải bất đồng.

Tuy nhiên, ngày 30/8 vừa qua, Tổng thống Trump dường như đã loại phương án đàm phán ra khỏi danh sách các biện pháp áp dụng với Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng đã viết trên Twitter rằng “nói suông” không phải là cách để giải quyết vấn đề Triều Tiên hiện nay.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ nên chấp nhận phương án “đóng băng”, trong đó một mặt để Triều Tiên tiếp tục duy trì các tên lửa hạt nhân của nước này, mặt khác kiềm chế Bình Nhưỡng thử nghiệm và phát triển thêm các tên lửa mới, từ đó đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán.

“Đó là sự lựa chọn giữa một phương án tệ và một phương án tệ hơn. Trong trường hợp này, tất cả các phương án ngoài phương án “đóng băng” đều là những phương án tệ hơn”, Giáo sư Andrei Lankov thuộc Đại học Kookmin tại Hàn Quốc nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm323
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,187,007
  • Tổng lượt truy cập155,222,611
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây