HOICHOTHUONGMAI

Nguồn cơn của nguy cơ “va chạm” lớn giữa Mỹ-Iran

Thứ tư - 19/06/2019 03:44
Những căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran khiến nhiều người đặt ra câu hỏi đâu là nút thắt đẩy mối quan hệ giữa 2 nước đến giới hạn này? >> >>

Căng thẳng Mỹ - Iran đang gia tăng và hai bên thậm chí có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp kể từ khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran tấn công 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hồi tuần trước. Ngày 17/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố Washington sẽ triển khai thêm 1.000 binh sỹ đến Trung Đông.

Nguồn cơn của nguy cơ “va chạm” lớn giữa Mỹ-Iran

Tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Ảnh: AFP

Điều gì đã khiến căng thẳng Mỹ - Iran đi đến giới hạn này? Phải chăng đằng sau đó là những sự thật sâu sa trong chính quyền Tổng thống Trump và thế khó của Iran?

Tác giả Aaron David Miller đã nhận định trên tờ USA Today rằng quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng như hiện nay có nguồn cơn từ việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

"Sức ép tối đa" và không có kế hoạch B

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống, ông Trump đã khẳng định ông sẽ đàm phán lại hoặc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông cho là "thỏa thuận tệ nhất đừng đàm phán". Điều này đã không chỉ là tuyên bố hay lời hứa tranh cử mà đã trở thành sự thật khi Tổng thống Trump không những rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn tiến hành chiến dịch "gây sức ép tối đa" nhằm vào nước này. Washington đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực ngân hàng và ngành hóa dầu của Iran trong những tháng qua, đồng thời nỗ lực cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ - “mạch máu” của kinh tế Iran về con số 0. Tất cả động thái trên đều nhằm mục đích "bóp nghẹt" nền kinh tế của Iran và buộc nước cộng hòa Hồi giáo này phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ lại gặp phải chiến lược "chống cự tối đa" của Iran khiến hai nước ở thế tiếp tục giằng co nhau và chỉ một diễn biến bất thường cũng có thể giống như cơn gió làm bùng lên đám lửa đang âm ỉ. Các nhà lãnh đạo Iran cho rằng Mỹ đã "lừa dối" Iran và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và buộc nước này phải thay đổi chế độ.

Iran "điêu đứng" trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga dù đều nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nhưng rõ ràng những quốc gia này đều ngần ngại trước sức ép từ phía Mỹ. Dù vậy, Iran cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn nhằm cho thấy rằng những sức ép của Mỹ không thể nào khiến quốc gia này khuất phục. Ngày 13/6, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định rằng Tehran không bao giờ tin tưởng Mỹ và sẽ không đàm phán với Mỹ. Chỉ 4 ngày sau đó, hôm 17/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Iran công bố nâng mức làm giàu uranium lên 20% và giảm các cam kết liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ rút khỏi JCPOA mà không có kế hoạch B ngoài chiến lược "gây sức ép tối đa" đang đẩy Washington và Iran vào tình trạng căng thẳng leo thang và nguy cơ đối đầu quân sự.

Mỹ và Iran đang “thử” nhau

Không có một “mỏ neo” nào giúp ổn định quan hệ Mỹ-Iran và việc thiếu lòng tin luôn bị đẩy lên mức cao khiến "thùng thuốc súng" trong căng thẳng 2 nước lúc nào cũng trực chờ bùng nổ. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đấu khẩu nhau gay gắt nhưng cả Tổng thống Trump và Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đều thận trọng để tránh quan hệ 2 nước leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp.

Tổng thống Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn gặp nhà lãnh đạo Iran và khẳng định ông không muốn một cuộc chiến "hao tiền tốn của" ở Trung Đông bất chấp việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có quan điểm cứng rắn về vấn đề này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Iran không tin tưởng Tổng thống Trump và cũng không cho rằng đàm phán với Mỹ sẽ đưa đến một kết quả làm hài lòng họ. Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei luôn thận trọng trước sự khó đoán định và không chắc chắn của Mỹ.

Nói cách khác cả ông Khamenei và Tổng thống Trump đều đang "thử" nhau, cả hai đều muốn đối phương phải "xuống nước" trước nhưng hai bên đều nỗ lực tránh đẩy căng thẳng đi quá xa.

Tổng thống Trump sẽ dành "hồi kết" nào cho Iran?

Một cuộc xung đột lớn có thể chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ ổn định. Nền kinh tế Iran đang vô cùng khó khăn và hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ các nước châu Âu - các quốc gia dù muốn ủng hộ Iran nhưng lại lo sợ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Doanh thu dầu mỏ của Iran sụt giảm nghiêm trọng và việc chờ đợi Tổng thống Trump không thực sự là một chiến lược hay một phương tiện để giảm sức ép của các lệnh trừng phạt. Do đó, Iran đe dọa khởi động lại chương trình hạt nhân, làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ hoặc đe dọa sự ổn định khu vực để mặc cả với Tổng thống Trump nhằm đổi lại sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt về kinh tế.

Đối với chính quyền Tổng thống Trump, một chiến lược để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại vẫn chưa rõ ràng, thậm chí người ta còn không rõ liệu có một chiến lược nào như vậy hay không. Tổng thống Trump có thể không muốn chiến tranh và muốn giải quyết căng thẳng với Iran qua đàm phán nhưng các quan chức cấp cao của ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thì nghĩ khác.

Ông Bolton cho rằng Iran là một mối đe dọa và việc điều quân tới Trung Đông là một biện pháp để răn đe. Chính quyền Mỹ khẳng định mục tiêu của mình là đưa Iran trở lại bàn đàm phán để bắt đầu một thỏa thuận mới nhưng Washington liệu có sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ như phía Tehran yêu cầu? Và liệu Iran có còn hứng thú một cuộc đàm phán với Mỹ?

Ở mức độ tối thiểu, Iran và Mỹ đều vô cùng cần một đường dây nóng để giảm xung đột giữa các lực lượng quân sự và tránh leo thang nghiêm trọng giữa 2 nước. Nhưng thực tế là Iran đã từ chối đàm phán với Mỹ bởi Tehran cho rằng đó là một dấu hiệu của sự yếu đuối và nhượng bộ. Tổng thống Trump - người luôn tìm kiếm các cuộc đàm phán cũng phải thừa nhận rằng do những căng thẳng gần đây mà hiện tại chưa phải thời gian thích hợp cho một thỏa thuận.

Sức ép tối đa đã đưa Mỹ đến "bờ vực" chiến tranh với Iran. Nếu chiến tranh không phải điều Tổng thống Trump mong muốn, ông sẽ phải hành động để thay đổi.

Tổng thống Mỹ sẽ phải thuyết phục Iran rằng ông nghiêm túc với cuộc đàm phán, và đã là đàm phán thì phải có những điều kiện cũng như nhượng bộ giữa hai bên. Nếu ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận, quá trình ngoại giao sẽ là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Căng thẳng nếu tích tụ đến một giới hạn nào đó sẽ nổ ra thành xung đột. Khi đối đầu quân sự trực tiếp xảy ra, nó sẽ không thể dừng lại và cuốn hai bên vào một tình thế mà có thể ngay từ đầu cả hai chưa dự tính đến.

Theo Kiều Anh

VOV.VN

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập454
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm361
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại3,985,766
  • Tổng lượt truy cập151,706,242
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây