Người cựu chiến binh và những ký ức về Trường Sơn

Thứ ba - 28/05/2019 04:28
"Đó là những tháng ngày gian khổ và ác liệt. Những đêm không thấy tiếng bom nổ bỗng nhiên lại cảm thấy bất an. Nhiều đồng đội nằm xuống khi vừa tròn đôi mươi... Nhưng chúng tôi vô cùng tự hào khi tuổi trẻ của mình được cống hiến trên con đường Trường Sơn huyền thoại"… Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Kiểm.

“Đó là những tháng ngày gian khổ và ác liệt. Những đêm không thấy tiếng bom nổ bỗng nhiên lại cảm thấy bất an. Nhiều đồng đội nằm xuống khi vừa tròn đôi mươi... Nhưng chúng tôi vô cùng tự hào khi tuổi trẻ của mình được cống hiến trên con đường Trường Sơn huyền thoại"… Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Kiểm.
 

Người cựu chiến binh và những ký ức về Trường Sơn
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Kiểm nhớ về những tháng ngày lịch sử.

 

Trong căn nhà cấp bốn tại thôn Tổng Nẻng, xã Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn), chúng tôi nghe ông Nguyễn Xuân Kiểm- cựu chiến binh (CCB) 77 tuổi, kể những câu chuyện sống động về năm tháng gắn bó với con đường Trường Sơn lịch sử.

Năm 1961, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Kiểm đã cùng nhiều trai tráng trong làng xin nhập ngũ. Đến năm 1965, ông cùng 400 người con của Bắc Kạn lên đường bổ sung vào chiến trường Trường Sơn. Nhiệm vụ đầu tiên ông được phân công là vận chuyển lương thực do thanh niên xung phong cung cấp từ nơi tiếp nhận vào Khe Xanh.

“Ban đầu chúng tôi đều vác bộ, đi quãng đường gần 3km nhưng trơn trượt và dốc núi. Sau đó đỡ hơn vì có xe đạp, nhưng xe đạp chỉ dắt thôi. Chúng tôi chất lên có lúc tới 80kg và phải tháo cả xích xe ra mới đẩy được. Có người nhanh trí mang xích đi theo, đến khi quay về lại lắp vào để đạp. Nhưng đường đi lên xuống dốc gập ghềnh đá, một bên là ta-luy hun hút nên rất nguy hiểm. Mỗi lần đi chúng tôi đều lấy một cây chốt làm phanh khi xuống dốc. Lúc đẩy lên có người một mình còn cố được, chứ khi xuống đều chia thành đôi hộ nhau. Cứ một người dắt xe một người cầm bánh trước tụt xuống, đến chân dốc lại quay lên. Chúng tôi đều biết, lương thực lúc ấy đều của người dân lam lũ, tiết kiệm nên quý giá lắm” ông Kiểm nhớ lại.

Năm 1968, ông Nguyễn Xuân Kiểm được điều vào tuyến trong Dốc 1800 của Thừa Thiên Huế để vận tải đạn. Công việc này nặng hơn, cũng chỉ với quãng đường 3km nhưng với loại đoạn như DKZ, A12… thì phải hai người khiêng, đường toàn dốc, leo lên từng bậc thang bùn đất trơn trượt. Vác đạn lại càng phải cẩn thận vì nó vừa nguy hiểm lại quý giá, chính vì vậy theo ông đây là thời gian căng thẳng nhất.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông gắn gắn bó với công việc sửa đường tại Trường Sơn. Sau những trận mưa bom ác liệt, tuyến đường thường xuyên hư hại. Cứ khi máy bay địch vừa đi, ông lại cùng các đồng đội nhanh chóng chạy lên lấp đường để những đoàn xe đi không bị gián đoạn. CCB Nguyễn Xuân Kiểm bồi hồi: Nếu như khi vác đạn là lúc căng thẳng nhất thì thời gian sửa đường lại là lúc cho tôi nhiều cảm xúc và kỷ niệm với Trường Sơn nhất. Chúng tôi khi ấy mỗi người được phát một lạng gạo một ngày, thế là nấu trộn tất cả các loại rau, củ trong rừng có thể ăn được thành một nồi lớn, vậy nên mới có so sánh là “nồi cám lợn bây giờ còn ngon hơn”. Rồi khi ở hầm ẩm ướt, lạnh buốt nằm nghe tiếng bom rơi như thể một cái gì ấy quá quen thuộc. Những lần lấp đường lại có cuộc nói chuyện, gặp gỡ mừng rỡ với một người đồng hương. Có khi chúng tôi đang làm việc thì máy bay địch bỗng nhiên quay lại, vậy là bị lấp luôn cả người. Tôi nhớ nhất là một lần đi công tác về lại gặp đúng máy bay vận tải của địch đang rải chất độc hóa học. Trên đầu tôi có 6 chiếc máy bay chia thành 3 tầng, trong đó 2 chiếc rải hóa chất xuống phun chéo như mưa. May mà tôi ở dưới rừng thông, dù đã bịt khăn mà cái mùi ấy vẫn xông lên mũi, quần áo lấm tấm ướt. Nhưng lúc ấy cũng chưa biết sợ là gì, chỉ thấy căm hận là không làm cách nào để bắn được chúng.

Năm 1969, sau một lần bị bom lấp, ông Kiểm bị thương nặng ở đốt sống lưng nên phải ra Bắc sớm để điều trị. Trở về quê hương, CCB Nguyễn Xuân Kiểm tiếp tục nỗ lực để bươn chải cuộc sống, tuy nhiên vì sức khỏe yếu nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Ông chia sẻ: Vừa qua, được Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu để xây dựng căn nhà mới, tôi rất xúc động trước sự quan tâm, động viên của những người đồng đội... Dù có nhiều thiệt thòi về sức khỏe do ảnh hưởng của vết thương và chất độc hóa học, nhưng tôi không hối hận. Tôi tự hào về tuổi trẻ đã được cống hiến cho đất nước./.

Tác giả: Bích Phượng

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập486
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm400
  • Hôm nay109,669
  • Tháng hiện tại3,296,593
  • Tổng lượt truy cập155,332,197
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây