HOICHOTHUONGMAI

Ấm áp tình người trong giá lạnh

Thứ ba - 06/03/2018 09:52
Rất có thể giờ này, bạn đang ở trong ngôi nhà của bạn, thưởng thức một cốc trà nóng và lướt web, nghe tiếng gió rít báo hiệu mùa đông về. Bạn có nghĩ rằng ở đâu đó ngoài kia vẫn còn rất nhiều những người vô gia cư đang cố nép mình vào những bức tường lạnh ngắt để chống chọi với cái rét căm căm, ăn vội vàng một vài miếng cơm thiu moi được từ thùng nước gạo không?


Đó là những lời chia sẻ đầy gan ruột của Ấm – một tổ chức từ thiện vì người vô gia cư và những hoàn cảnh khó khăn.

Suốt 6 năm qua, đều đặn vào mỗi đêm thứ 7 hằng tuần, Ấm mang chăn màn, quần áo và đồ ăn tới những người vô gia cư trên địa bàn Hà Nội. Ấm coi đó như một ngọn lửa nhỏ xua bớt đi cái buốt giá mà những người vô gia cư đã, đang và sẽ phải chịu đựng mỗi khi đông về.

Lan tỏa ngọn lửa yêu thương

Thủ lĩnh của Ấm là một phụ nữ với vóc dáng bé nhỏ, nụ cười tươi rói Nguyễn Hoàng Thảo, SN 1985. Chị Thảo từng tốt nghiệp loại giỏi khoa tiếng Nhật - Trường Đại học Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên. Tuy nhiên, với tính cách ưa khám phá, thích di chuyển nên chị đã không làm công tác giảng dạy mà sang Nhật làm phiên dịch cho một doanh nghiệp.

Ấm áp tình người trong giá lạnh
Các thành viên của Ấm đang chuẩn bị đưa cháo tới Viện Châm cứu Trung ương.

Sau đó chị lại tiếp tục sang Australia học một khóa ngắn hạn về làm bánh rồi sau đó mới chịu quay về nước lập nghiệp. Cơ duyên dẫn chị Thảo tới việc thành lập nên nhóm thiện nguyện Ấm cũng thật tình cờ.

“Noel năm 2012, tôi ngồi trong nhà mà vẫn thấy lạnh cắt da cắt thịt. Khi ấy, tôi bất giác nghĩ tới những người vô gia cư đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Tôi tự hỏi không biết họ sẽ phải làm gì để chống chọi với cái rét thấu xương như thế này. Lúc đó tôi đã ước giá như mình có thể mang tới cho họ một chiếc chăn ấm, vài bộ quần áo cũ hay một gói xôi nóng chắc cũng sẽ giúp họ vơi đi cái lạnh của mùa đông” – chị Thảo nhớ lại.

Từ suy nghĩ ấy, chị Thảo đã rủ một số người bạn của mình cùng đi quyên góp quần áo, chăn, màn cũ rồi mua một ít đồ ăn đợi đến đêm đem đến các khu chợ và gầm cầu tặng cho một số người vô gia cư.

Nhưng ngay buổi đi từ thiện đầu tiên ấy, chị và những người bạn của mình đã phải bật khóc khi tận mắt chứng kiến những mảnh đời, những số phận bất hạnh mà ngay đến trong tưởng tượng chị và các bạn cũng không nghĩ ra. Sau lần đó, chị Thảo đã lên facebook thành lập một tổ chức từ thiện có tên Ấm, kêu gọi bạn bè ủng hộ chăn màn, quần áo và tiền để mua đồ ăn cho những người vô gia cư.

Tuy nhiên, thời gia đầu thành lập, Ấm đã gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, nhân sự. Nhưng sau một năm hoạt động nhờ lòng nhiệt huyết cùng với công sức của tất cả các bạn tình nguyện viên tham gia, Ấm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của các cá nhân cũng như các tổ chức, tập thể.

Đặc biệt trong số ấy phải kể đến sự trợ giúp nhiệt tình của nhóm Hoa Từ Bi. Nhóm này đã giúp đỡ và tài trợ hàng tuần cho Ấm về đồ ăn, địa điểm tổ chức hoạt động trong suốt 3 năm trở lại đây.

Như thường lệ, cứ vào khoảng 22 giờ 30 phút hằng tuần, các thành viên của Ấm sẽ tập trung tại quán cà phê Kusas Closet 23 Trần Hữu Tước rồi sau đó mang các nhu yếu phẩm và các suất ăn từ thiện đến các điểm đã định.

Theo anh Vũ Trung Anh, Trưởng nhóm Ấm cho biết: “Sở dĩ Ấm chọn cung giờ từ 23 giờ trở ra để đi phát quà là vì đây mới là thời điểm mà những người vô gia cư nghỉ ngơi sau một ngày lang thang kiếm sống. Nếu xuất phát sớm hơn chưa chắc các thành viên trong nhóm thiện nguyện đã gặp được họ đông đủ”.

Hiện tại, hoạt động của Ấm ngoài việc đưa những phần quà là những suất đồ ăn, quần áo thì Ấm còn cung cấp nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày của người vô gia cư như xà phòng, khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải...

Đặc biệt hơn nữa là Ấm được sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, bác sĩ nên đã có thể cấp phát thuốc và theo dõi sức khỏe cho những người vô gia cư mà Ấm đang giúp đỡ. Địa bàn hoạt động thiện nguyện của Ấm chủ yếu diễn ra ở 2 quận chính là Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Ấm áp tình người trong giá lạnh - Ảnh minh hoạ 2
Vui chơi cùng các bệnh nhi.

Vì nhiều bạn tình nguyện viên trong nhóm của Ấm là nữ nên để đảm bảo an toàn Ấm chỉ chọn 2 khu vực đó, ngoài ra có một số trường hợp nằm ngoài 2 khu vực này thì sẽ có các bạn tình nguyện viên lâu năm đảm nhận công việc.

Ba năm trở lại đây, Ấm đã tổ chức thêm một hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa khác nữa đó là phát cháo và vui chơi cùng các bé bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra, cứ định kì hàng năm, Ấm đều có 1 chương trình đi thiện nguyện ở ngoại thành như  Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 – Yên Bài – Ba Vì – Hà Nội dành cho các bé nhiễm H, trại phong Quả Cảm – Bắc Ninh...

Khóc, cười với những số phận bất hạnh

Trong số những người vô gia cư đang vất vưởng sống cuộc đời mà không một ai trong chúng ta muốn phải trải qua, có rất nhiều người vì hoàn cảnh xô đẩy như những cụ già mất nhà, mất đất, bị con cháu đẩy ra đường, hay những người quá nghèo khổ và thiếu điều kiện.

Mặc dù những người vô gia cư ấy họ đều có một điểm chung là sự bất hạnh đến tận cùng. Nhưng mỗi người trong số họ lại có những thân phận khác nhau.

Ấm áp tình người trong giá lạnh - Ảnh minh hoạ 3
Thăm và phát quà cho các bệnh nhi.

Có lẽ, những thành viên của Ấm không ai có thể quên được hình ảnh một cụ bà nằm co quắp trong cái rét như cứa da cứa thịt cạnh bốt Hàng Đậu, trên tay vẫn ôm khư khư di ảnh của người chồng quá cố.

Bà tên là Loan, 90 tuổi, quê ở mãi Tứ Kỳ, Hải Dương. Bạn Lê Thu Hằng, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại thương, tình nguyện viên của Ấm chia sẻ: “Hôm đó, bọn mình đi phát quà đêm thì gặp bà đang nằm co ro. Vì đêm đã khuya nên bọn mình chỉ dám nhẹ nhàng để chăn, quần áo và một suất ăn bên cạnh để tránh làm mất giấc ngủ của bà. Thế nhưng có vẻ như vì trời quá rét, lại tuổi đã cao nên bà khó ngủ. Thoáng thấy bóng bọn mình, bà đã ngồi bật dậy, khi biết chúng mình đi phát quà từ thiện, bà đã khóc. Bà bảo, đời bà bất hạnh, vì những người dưng còn tốt gấp vạn lần người thân của bà”.

Theo lời bà Loan kể thì ông bà bỏ quê Hải Dương lên Hà Nội sống lang thang nay đây mai đó là bởi vì uất thằng con bất hiếu. Đứa con ấy đã không những không nuôi bố mẹ mà còn tranh giành sổ đỏ rồi đuổi ông bà đi. Hai vợ chồng bà Loan lên Hà Nội nhặt rác sống qua ngày, tối đến bạ đâu cũng là nhà, nhưng cũng chỉ được vài năm thì chồng bà Loan đổ bệnh mất.

Một mình già yếu lang thang không nơi nương tựa đã đành, ngay cả điểm tựa cuối cùng là người chồng bao năm đồng kham cộng khổ cũng không còn nên bà Loan chỉ còn biết mang theo di ảnh của chồng như một sự đồng hành tinh thần.

Thỉnh thoảng trên đường “phiêu dạt”, hễ đến nơi nào vắng người qua lại, bà Loan lại chọn một góc đẹp nhất để di ảnh của chồng lên rồi thắp vài nén nhang sau đó ngồi lẩm nhẩm trò chuyện cùng ông.

Trong hành trình thiện nguyện, nhiều thành viên của Ấm cho tới bây giờ vẫn day dứt về ước mơ dang dở của một người đàn ông bất hạnh.

Ấm áp tình người trong giá lạnh - Ảnh minh hoạ 4
Trò chuyện với cụ bà vô gia cư.

Chị Thảo chia sẻ: “Lần đầu tiên mình và các thành viên của Ấm gặp chú là ở Công viên Lênin. Khi được hỏi về mong muốn, chú chỉ ước được dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy mà chỉ chưa đầy 3 tháng sau, cũng tại công viên ấy, chú đã qua đời trong một đêm mưa rét. Những người vô gia cư quanh đó đoán rằng chắc chú mất vì bị cảm lạnh”.

Ngoài vô vàn những ấn tượng buồn, xót xa về những người vô gia cư thì cũng có lúc các thành viên của Ấm đã được bật cười trước sự lạc quan của một vài người trong số họ.

Anh Trần Văn Long, một tình nguyện viên của Ấm kể: “Trước đây, khi chưa tham gia hoạt động thiện nguyện cùng với nhóm, mình luôn nghĩ rằng cuộc sống của người vô gia cư rất khó khăn. Vì thế nên họ lúc nào cũng cảm thấy buồn tủi, bi quan nhưng sau khi trò chuyện với một bà cụ gần 80 tuổi, mình đã rất ngạc nhiên trước sự lạc quan của bà.

Mình hỏi bà là: Bà nằm ở đây (dưới chân cầu – pv) mưa gió, lạnh như thế này mà vẫn chịu được ạ? thì bà hồn nhiên trả lời: Chú thấy đấy, nằm ở đây mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, có gì mà khổ đâu. Ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình, ở như thế này còn sướng chán”.

Khi chúng tôi bày tỏ sự thán phục trước những việc làm ý nghĩa của Ấm thì chị Thảo cười bảo: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng: Có thể một suất xôi, một cái bánh mì, vài bộ quần áo cũ, một lọ thuốc nhỏ không thể thay đổi số phận của một con người nhưng nó lại có tác động rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm của những người vô gia cư. Bởi nó giúp họ có thêm động lực sống và cảm thấy ấm áp hơn trong cái rét thấu da thịt của mùa đông”.

Song Anh

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập440
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm365
  • Hôm nay87,001
  • Tháng hiện tại3,945,108
  • Tổng lượt truy cập151,665,584
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây