HOICHOTHUONGMAI

Bỏ quy đinh góp vốn ngoại mức 49%, Fintech Việt sẽ bùng nổ trong năm 2020

Thứ ba - 11/02/2020 18:50
(Dân trí) - Mới đây, với việc dự kiến bỏ quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% và việc sẽ thí điểm triển khai Mobile Money, thị trường Fintech hứa hẹn sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2020.

Bỏ quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49%

Ngày 10/2, theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và tham gia ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, đối với quy định dự kiến tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán, bên cạnh những ý kiến đồng tình, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được các ý kiến khác do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng.

Vì thế, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

Bỏ quy đinh góp vốn ngoại mức 49%, Fintech Việt sẽ bùng nổ trong năm 2020

Việc bãi bỏ quy đinh góp vốn ngoại mức 49% và thí điểm Mobile Money sẽ thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt trong mua sắm của người dân. 

“Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia; phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định”, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Nghị định này trong tháng 6/2020.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Fintech, việc Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ việc tỷ lệ giới hạn vào Dự thảo được cho là sẽ khiến các ví điện tử cởi trói khỏi quy định mà họ lo lắng trong suốt thời gian qua. Chắc chắn, những thương vụ bạc tỷ trong lĩnh vực Fintech sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới, khi mà việc “đốt tiền” của Momo, VNPay, Airpay, Moca đang phát huy hiệu quả và người dùng ngày càng quen hơn với việc sử dụng các ví điện tử tại Việt Nam.

Ví điện tử vẫn còn đó những khó khăn và cơ hội của Mobile Money

Tuy nhiên, dù đã bỏ được nỗi lo ngại về quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, Ví điện tử vẫn còn đó những khó khăn trong việc mở rộng thị phần. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm, đại diện một Ví điện tử từng cho rằng, khó khăn của các ví điện tử đến từ thói quen dùng tiền mặt của người dùng.

Khó khăn tiếp đến từ việc cơ quan quản lý đang coi Fintech giống như một cánh tay nối dài của ngân hàng mà chưa được hoạt động độc lập như một “cá thể” trong hệ thống tài chính. Các ví điện tử chỉ có thể được sử dụng nếu kết nối với các tài khoản ngân hàng sẵn có của người dùng. “Được hoạt động độc lập như một “cá thể” trong hệ thống tài chính, các ứng dụng Fintech khác mới có thể mang đến nhiều trải nghiệm dịch vụ độc đáo cho thị trường Việt Nam”, đại diện Ví điện tử này chia sẻ.

Tuy nhiên, khó khăn của Ví điện tử lại đang là cơ hội cho Mobile Money, chia sẻ trên truyền thông, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, một điểm rất quan trọng trong dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money là cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Các thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và các điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ cho mình. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ quản lý tài khoản tổng của các doanh nghiệp viễn thông để tránh rủi ro trong thanh toán.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt - một giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 02 của Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ TT&TT và đang chờ Bộ Tư pháp cho phép để triển khai Mobile Money trong năm 2020.

Như vậy, với việc dự kiến bãi bỏ quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% của các Ví điện tử trong Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai Mobile Money trong năm 2020, thị trường Fintech trong sẽ rất sôi động và người dùng có nhiều phương tiện để thanh toán không dùng tiền mặt hơn.

Gia Khánh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập480
  • Máy chủ tìm kiếm78
  • Khách viếng thăm402
  • Hôm nay80,480
  • Tháng hiện tại4,045,380
  • Tổng lượt truy cập151,765,856
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây